Ngày 21 và 22/4, Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX diễn ra nhằm xem xét, quyết định các nội dung, như: Bổ sung danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa năm 2020 của các huyện: Duy Xuyên, Phú Ninh, Hội An, Thăng Bình, Bắc Trà My; Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh; Quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh theo Luật Đầu tư công năm 2019...
Đặc biệt việc trình Báo cáo Thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh được đông đảo người dân, nhà đầu tư, chủ đầu tư quan tâm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Quảng Nam vào lúc này.
14 dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc trình xin chủ trương đầu tư trong kỳ họp HĐND tỉnh lần này.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: "Căn cứ Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, UBND cấp tỉnh xin ý kiến Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các trường hợp sau:
Dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha và có số lượng nhà ở dưới 2.500 căn tại khu vực không phải là đô thị; Dự án có quy mô sử dụng đất từ 10 ha đến dưới 50 ha và có số lượng nhà ở dưới 2.500 căn tại khu vực đô thị; Dự án không phân biệt quy mô diện tích đất, số lượng nhà ở nhưng thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong các đồ án quy hoạch) của đô thị loại đặc biệt.
Trên cơ sở đó, tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 01 dự án khu đô thị tại thành phố Tam Kỳ và 14 dự án khu đô thị, khu dân cư tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (các dự án có diện tích trên 10 ha) là phù hợp theo quy định của Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó 14 dự án khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc gồm có: 06 dự án thực hiện thủ tục đầu tư trong giai đoạn Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về ban hành quy chế khu đô thị mới, nhưng chưa được quyết định đầu tư của cơ quan có thẩm quyền (trong đó có nội dung giao chủ đầu tư); 08 dự án thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, đã được UBND tỉnh có quyết định giao chủ đầu tư.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức rà soát và báo cáo kết quả rà soát các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 13/14 dự án đô thị (Báo cáo số 05/BC- HĐND ngày 28/2/2020).
Các dự án này, đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Trong đó, một số dự án đang tiếp tục điều chỉnh để đảm bảo khớp nối với Quy hoạch điều chỉnh phân khu (1/2.000) các giai đoạn I, II, III tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn theo Quyết định số 1253/QĐ- UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh.
Tại thời điểm hiện nay, một số dự án đã triển khai thi công như: khu đô thị Mỹ Gia; khu đô thị số 9 mở rộng; khu đô thị 7B mở rộng; khu đô thị Bách Thành Vinh; khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng.
Theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn cho thấy có những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án này, nhất là thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, đầu tư xây dựng.
Nhiều dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã kéo dài nhiều năm bị tác động bởi thay đổi các chính sách pháp luật, thị trường bất động sản, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Trong đó, việc áp dụng thực hiện Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 05/5/2015) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có những bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tế như: chưa quy định cụ thể về dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao; xác định đơn giá tiền sử dụng đất tại thời điểm đấu thầu (mâu thuẩn với pháp luật về đất đai); cách xác định giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu m3.
Những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã được Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết (Báo cáo số 51-BC/BCS ngày 20/3/2020); được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương tại Công văn số 2690- CV/TU ngày 24/3/2020.
Thực trạng các dự án đầu tư tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã kéo dài nhiều năm bị tác động bởi thay đổi các chính sách pháp luật, thị trường bất động sản, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ chế quản lý, điều hành Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc... đã gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Do vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 14 dự án về địa điểm, quy mô, cơ cấu sử dụng đất, dự kiến tổng mức đầu tư, tiến độ thời gian hoàn thành dự án.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo thẩm quyền, làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án, góp phần sớm hoàn thành các dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc theo quy hoạch trong thời gian đến.
Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn chỉnh khớp nối quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) các giai đoạn I, II, III tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Sau khi HĐND tỉnh cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam một số nội dung sau: Chỉ đạo kiểm tra, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền.
Trong đó, chú ý thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá năng lực nhà đầu tư, đảm bảo về năng lực thực sự để thực hiện dự án; hoàn chỉnh khớp nối quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) các giai đoạn I, II, III tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (phạm vi ranh giới, hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước mưa, nước thải, khớp nối hạ tầng kỹ thuật với khu dân cư hiện hữu,...);
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị, xây dựng, đất đai... Trong đó, chú trọng công tác theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện dự án, huy động vốn; quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng dự án trái phép.
Chỉ đạo chặt chẽ công tác thẩm định và định giá đất, đảm bảo phù hợp với giá thị trường, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản nghĩa vụ tài chính của dự án, không để thất thoát ngân sách nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy trình, thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.