Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, diễn ra hôm nay, 2/2/2021. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng lưu ý các thành viên Chính phủ việc xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội trong tháng đầu tiên của năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19 và công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ.
Về vấn đề thời sự nhất, Thủ tướng đề cập việc dịch bệnh Covid-19 một lần nữa phát sinh, bùng phát trong cộng đồng, từ ngày 27/1 tới nay. Tới thời điểm này, những ngày giáp Tết, đã có 271 ca bệnh được phát hiện ở 10 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng khái quát, những ngày qua, trong bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, vào cuộc với biện pháp đúng đắn, kịp thời.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Chính phủ về tình hình và các giải pháp lớn khi mà thời gian qua Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như tăng cường lực lượng, khoanh ổ dịch, truy vết, xét nghiệm diện rộng, dừng một số hoạt động, kiểm tra, đôn đốc quyết liệt… Thủ tướng nhận định hiện nay, mặc dù còn có diễn biến phức tạp nhưng tình hình cơ bản được kiểm soát.
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vắc xin ngừa Covid-19 đến người dân trong quý I này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Chính phủ về diễn biến dịch bệnh.
Về việc điều hành kinh tế xã hội, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thảo luận những giải pháp tăng trưởng 6 tháng đầu năm và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tình hình tháng 1, theo Thủ tướng, có nhiều chỉ số đáng mừng, nhất là các chỉ số quan trọng như tăng trưởng sản xuất công nghiệp (hơn 22%), đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo (hơn 27%).
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 45%, mức tăng kỷ lục. Xuất siêu, giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp thành lập mới… cũng là những điểm đáng mừng của nền kinh tế tháng 1 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của đợt dịch mới phát sinh với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận các biện pháp chỉ đạo điều hành trước tác động của việc phát sinh đợt dịch bệnh Covid-19 mới đối với nền kinh tế. Nhấn mạnh việc tận dụng thời cơ, tạo ra môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là các tập đoàn công nghệ như Foxconn, kể cả mở rộng quy mô đầu tư như Intel, Samsung, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không đảo ngược chính sách, tiếp tục thúc đẩy cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam.
"Chúng ta phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế. Chúng ta cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới, đó là kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do và kinh tế số. Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần về kinh tế số, xã hội số và những vấn đề liên quan. Chúng ta phải đặt vấn đề này rõ nét hơn" - Thủ tướng nói.
Người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở việc chăm lo Tết cho nhân dân chu đáo, nhất là vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng bị phong tỏa do có dịch, "chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, phải kiểm điểm lại việc chuẩn bị các nguồn lực", bao gồm các siêu thị lớn, các thành phố lớn, đặc biệt là các địa phương, như chuẩn bị hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ.
Thái Anh
Ảnh: Quốc Chính
Theo Dân Trí