“Sốt” đất nền ven Hà Nội: Bộ Xây dựng có trách nhiệm gì?
Kinhte&Xahoi
Liên quan đến việc giá đất tăng bất thường tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ này có trách nhiệm quản lý chung về thị trường, còn thị trường đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm
Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa 4 huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận vào năm 2020 đã khiến giá đất tại 4 huyện này tăng chóng mặt.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4, đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản cho rằng: Về đất nền, cứ có quy hoạch, hạ tầng phát triển hoặc nâng cấp từ huyện lên quận sẽ khiến thị trường đất nền có biến động về giá.Theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm quản lý nhà nước chung về thị trường bất động sản, trong đó quản lý về giao dịch, tạo lập kinh doanh bất động sản trong các dự án.
Ảnh minh họa
Về thị trường đất đai, theo ông Ninh vấn đề này do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm. Việc các cơn sốt đất trong thời gian gần đây, ông Ninh đưa ra nguyên nhân do người dân tách thửa ra, xin chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán quyền sử dụng đất.
“Mới đây, hai địa phương như Quảng Nam và Đà Nẵng có thị trường đất đai phức tạp thì Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho các địa phương chủ trì cùng với Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xem xét và có phương án xử lý. Trách nhiệm của việc để biến động thị trường đất đai chính là của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Ninh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, với chức năng của mình, Bộ đã tích cực có văn bản gửi các địa phương và làm minh bạch các thông tin trong phạm vi của mình để các nhà đầu tư, mua bán không hiểu nhầm việc sốt đất ở địa phương đó.
“Trách nhiệm Bộ Xây dựng phải cung cấp về phát triển đô thị, mục đích sử dụng đất đầy đủ, phải có quy hoạch, thông tin, tính pháp lý đầy đủ để người dân đầu tư vào đó đúng hay sai”, ông Hùng nói.
Như Dân Việt đã thông tin, trước thời điểm Hà Nội thống nhất lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại 4 huyện trên tăng nhanh bất thường.
Đơn cử như, tại huyện Đông Anh, theo khảo sát, một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề ở khu Thanh Trì đang được chào bán từ 26-30 triệu đồng/m2, có nơi 35-40 triệu đồng/m2, thậm chí trên 55 triệu đồng/m2. Nhiều vị trí đất phân lô ở khu vực này cũng có giá từ 55-65 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với đầu năm ngoái.
Tại huyện Hoài Đức, đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá cao ngất ngưởng: 120-130 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá chào bán 80 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2017. Ngay cả đất ở các xã An Khánh, An Thượng cũng được chào giá 30-40 triệu đồng/m2, tăng 30%-40%.
Tương tự, ở nhiều khu vực các huyện còn lại sau tin đồn được lên quận, giá đất cũng được thổi phồng nhiều lần.
Trước tình trạng “sốt” đất tại các huyện ngoại thành của Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định, thông tin chuyển từ huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý thích đầu cơ để hưởng lợi. Tuy nhiên, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư.
Chúng ta đã có những bài học thực tế như, tại Vân Đồn (Phú Quốc) chính vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên huyện, thành đặc khu mà giá trị bất động sản tại các địa phương này đã bị thổi lên, bị đẩy giá làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường bất động sản, không mang lợi lại ích gì cho cả địa phương, xã hội và thị trường.
Do đó, các chuyên gia lưu ý, huyện hay lên quận đều phải có cá tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được. Việc tạo ra một danh xưng mới không giúp "Quạ biến thành Công" nếu đó chỉ là một cái danh xưng không thực chất.
Theo Dân Việt/Phapluatplus