Tập trung thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa để tạo động lực phát triển

18/04/2023 15:22

Kinhte&Xahoi Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa này nhằm phát huy nguồn lực văn hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban về kết quả triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa đến hết quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng.

Đây là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, cũng như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các dự án này nhằm phát huy nguồn lực văn hóa to lớn của Thăng Long - Hà Nội để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả công việc của Ban Chỉ đạo thời gian qua, nhất là những chuyển biến rõ nét về công tác phối hợp, kết quả nghiên cứu khoa học, tinh thần đồng thuận cao của các bộ, ngành và TP cũng như của các chuyên gia trong nước, quốc tế đối với các dự án tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Quang cảnh hội nghị

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án tái hiện Điện Kính Thiên và Dự án Đền thờ Ngô Quyền, Bí thư Thành ủy đã lưu ý một số yêu cầu quan trọng. Theo đó, đối với dự án tái hiện điện Kính Thiên, việc triển khai thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc dựa trên cơ sở khoa học và đồng thuận cả trong nước, quốc tế. Mục tiêu là trong nhiệm kỳ 2020-2025 phải hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị trước những vật liệu quan trọng để khởi công xây dựng vào đầu nhiệm kỳ tới.

Về đền thờ Ngô Quyền, TP cần tiếp tục được thực hiện bài bản, khoa học và sớm công bố kết quả khảo cổ, thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn vị trí xây dựng đền. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ban hành ngay quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Dự án; Các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị theo phân công cần xây dựng bảng theo dõi tiến độ công việc để thường xuyên rà soát, kiểm đếm, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, thời gian qua việc hợp tác quốc tế tại Hoàng thành Thăng Long được đẩy mạnh và TP nhận được sự góp ý của các chuyên gia trong công tác bảo tồn. Ngoài ra, có sự vào cuộc của các Bộ, ngành cùng Hà Nội trên nhiều lĩnh vực làm căn cứ để TP đẩy mạnh công tác bảo tồn di tích.

Trong năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh trên 4 hướng (khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu di sản phi vật thể, nghiên cứu so sánh đối chiếu với di sản trong nước và quốc tế).

Nêu một số khó khăn trong bảo tồn di sản hiện nay tại Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề xuất cần bổ sung lãnh đạo Bộ Ngoại giao vào Ban chỉ đạo. Sau cuộc họp, TP Hà Nội sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có bước, lộ trình tiếp theo với UNESCO và đây cần là ưu tiên số 1; Tiếp theo là cần có cơ chế tài chính linh hoạt để phục vụ công tác bảo tồn di sản.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho rằng, có hai việc phải làm ngay, một là bổ sung yếu tố chuyên môn về di sản cho huyện Đông Anh để triển khai xây dựng đền thờ Ngô Quyền và các dự án tại khu di tích Cổ Loa; Đồng thời, tăng cường nhân sự có chuyên môn về quản lý đầu tư dự án cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội để triển khai các dự án tại Hoàng thành Thăng Long.

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tap-trung-thuc-hien-du-an-bao-ton-ton-tao-hoang-thanh-thang-long-va-co-loa-de-tao-dong-luc-phat-trien-222041.html