Khó khăn nên góp vốn
Như đã phản ảnh trước đó, cho rằng không đủ chỗ cho nhân viên làm việc, TDC xin được thuê đất xây dựng trụ sở, sau đó doanh nghiệp này hợp tác với Cty CP DIC 4 - mã chứng khoán tại HNX: DC4 (Một đơn vị thành viên của Tổng Cty Đầu tư Phát triển xây dựng – DIC Group) xây dựng trụ sở kết hợp chung cư mang tên thương mại Ruby Tower để bán. Cho đến thời điểm này, toàn bộ số lượng căn hộ tại đây đã được bán hết.
Ruby Tower 54 căn hộ chung cư có diện tích từ 53 – 82m² và 3 căn hộ Penhouses với diện tích từ 188 – 244 m².
Làm việc với ông Kiều Anh Mận - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TDC, phóng viên được đơn vị này cung cấp nhiều thông tin liên quan đến dự án cũng như những lý do mà TDC phải hợp tác với DIC 4 để làm dự án này.
Theo thông tin, TDC được cổ phần hoá từ năm 2004 và Nhà nước không nắm giữ 1 cổ phần nào, có nghĩa là, Cty này đã chính thức trở thành Cty tư nhân từ đó và hoạt động với số vốn đăng ký trên 6 tỷ đồng, nộp ngân sách hàng năm từ 1-2 tỷ đồng. “Có những năm đột biến thì lên khoảng 4-5 tỷ đồng”, ông Mận cung cấp thêm thông tin.
Theo ông Mận, do trụ sở Cty nhỏ nên mới xin đất xây dựng trụ sở mới, sau khi xin được đất để xây dựng trụ sở, thời điểm đó TDC có khó khăn để đầu tư nên đã tìm đến DIC 4, 2 bên đã thoả thuận cùng phát triển dự án và hợp đồng hợp tác đầu tư lập tức được ký kết vào ngày 1/6/2015.
Theo đó, TDC góp vốn bằng 800m² đất được định giá 4 tỷ đồng (trong đó kể cả các chi phí để có lô đất, cũng có nghĩa là giá trị lô đất được định giá chưa tới 4 tỷ đồng), DIC 4 sẽ bỏ tiền xây dựng dự án với tổng giá trị khoảng gần 100 tỷ đồng.
Đổi lại trong thương vụ này, khi phân phối lợi nhuận, TDC được 2 quyền lợi là được mua 2 sàn thương mại (khoảng 1.000m²) với giá gốc (được hiểu là giá trị đất + chi phí + giá trị xây dựng) và TDC được quyền cho nhân viên trong Cty mua 30%/tổng số căn hộ với giá giảm 10% so với giá bán ra thị trường.
Trong đó, TDC phải hỗ trợ mọi pháp lý cho dự án. Trách nhiệm còn lại là của DIC 4 là: Tự tổ chức thi công, chủ động trong kinh doanh căn hộ, cho thuê sàn thương mại.
Và đến khi kết thúc dự án, TDC chẳng được gì. Không mua sàn thương mại với giá ưu đãi vì không có tiền (trong khi đơn vị này đang bức xúc nơi làm việc), nhân viên trong Cty TDC cũng không mua 1 căn hộ nào vì giá bán quá cao.
Lý giải về nghịch lý này, ông Mận cho rằng: “Liên kết thì thế thôi chứ TDC không có tiền để mua 2 sàn thương mại tại đây, với 30%/tổng căn hộ cũng chẳng ai mua được vì giá cao”.
Vậy câu hỏi đặt ra, TDC được gì khi hợp tác với DIC 4 phát triển dự án này? 800m² đất “vàng” được thuê của Nhà nước với giá rẻ mạt và được TDC dâng trọn cho DIC 4 để xây chung cư bán. Lợi nhuận sẽ vào túi sai? Nhà nước có được gì không?
Theo thông tin chúng tôi có được, hiện tại đất ở tại khu vực này có giá khoảng 100triệu đồng/1m².
Ký hợp đồng hợp tác xong, TDC đề nghị chuyển nhượng lại cho DIC 4
Khi chúng tôi hỏi ông Mận về tính khả thi của dự án và có nghĩ rằng, TDC bị thiệt thòi khi thực hiện hợp tác này không. “Bây giờ cái đó khó nói lắm, do tôi thoả thuận như thế, do trong đàm phán thương mại tôi không rành, nên tôi không lường hết được, cũng không có kinh nghiệm và khả năng về tài chính của mình không có thì mình phải chịu thôi”, ông Mận trần tình.
Tuy nhiên, sau khi thoả thuận hợp tác kinh doanh giữa 2 bên được ký kết và dự án đang được thực hiện thì đột nhiên, TDC đề nghị với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho sang nhượng lại dự án cho DIC 4.
Ngày 23/8/2017, ông Võ Văn Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký Công văn số 2461/SXD báo cáo và đề xuất liên quan đến việc chuyển nhượng toàn bộ dự án của TDC cho DIC 4 và ngày 18/9/2017, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Văn bản số 8867/UBND-VP do ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc ký, gửi: Sở Xây dựng, TDC, DIC 4.
Trong đó nói: “Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn 2461 ngày 23/8/2017 về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Văn phòng kết hợp chung cư của TDC, qua đó UBND tỉnh có ý kiến như sau: Về chủ trương, chấp thuận việc chuyển nhượng này; DIC 4 có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai dự án nêu trên thay cho TDC trước khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển nhượng; Giao Sở xây dựng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về thủ tục chuyển nhượng dự án theo đúng pháp luật”.
Điều rất lạ lùng là khi dự án đã thi công gần xong phần thô và sau khi xin chuyển nhượng dự án, thì ngày 25/8/2017 (2 ngày sau khi Sở Xây dựng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép TDC chuyển nhượng dự án cho DIC 4) TDC có đơn xin UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Sở Tài nguyên và Môi trường cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh có thời hạn giao 50 năm sang đất ở đô thị với diện tích 512m², với thời hạn lâu dài.
Theo Báo Xây dựng/Pháp luật Plus