Ngày 3/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”.
Chỉ thị nhận định, với vị thế là Thủ đô trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, công tác phòng chống dịch tại Hà Nội càng trở nên cấp bách.
Mặc dù một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của nhân dân; song với ý thức trách nhiệm trước sự an toàn sức khỏe nhân dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu; để tiếp tục giữ vững kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm túc một số nội dung.
Thứ nhất, toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, các tổ chức… trên địa bàn, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức tiếp tục chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện giãn cách toàn xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16. Vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng.
Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phụ trách với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đồng thời chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường họp trực tuyến; chủ động bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, trừ những trường hợp cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ mới đến làm việc tại công sở. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp. Thực hiện tiết kiệm chi phí chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.
Chỉ thị yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó trong tình huống triển khai phong tỏa diện rộng trên địa bàn thành phố khi cần thiết.
Cùng với đó, chỉ đạo tiếp tục khẩn trương rà soát, theo dõi chặt chẽ, phát hiện và khoanh vùng, cách ly kịp thời những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh, không để lây lan dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương trên địa bàn. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cương quyết dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, người qua lại khu vực Bệnh viện Bạch Mai; công khai, minh bạch thông tin theo quy định.
Chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch của toàn thành phố; cung cấp đầy đủ điện, nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối thuộc thành phố thực hiện tiết giảm chi tiêu, chi phí hoạt động để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Rà soát, hỗ trợ những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập…); đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện đúng các quy định hiện hành. Chủ động xây dựng Kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế ngay sau khi hết dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, đấu tranh quyết liệt phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.
Chỉ thị cũng yêu cầu Đảng Đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; xem xét, quyết định kịp thời các biện pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…