Uống rượu, bia từ lâu đã trở thành nét văn hóa của đồng bào dân tộc ở vùng cao Tây Bắc. Trong mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi, đón khách đến nhà, hay thậm chí cả trong tang ma, người vùng cao đều mời nhau uống rượu, để chia ngọt, sẻ bùi, có khi là thể hiện tấm chân tình với bạn bè, khách quý.
CSGT Mường La kiểm tra việc chấp hành quy định không uống rượu bia khi lái xe.
Khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, quy định tất cả mọi người khi đã uống rượu bia không được lái xe, người vùng cao ban đầu có chút “bối rối”, thậm chí “hẫng hụt”, song hiểu được ý nghĩa của việc an toàn tính mạng cho mình và cộng đồng khi tham gia giao thông, nên ai nấy đều đã tự giác chấp hành.
Từng phải nằm viện điều trị 3 tháng do gẫy xương quai xanh, trẹo hàm vì điều khiển xe máy trong lúc say rượu, bất cẩn bị ngã, ông Quàng Văn Bó, dân tộc Thái ở bản Hua Nặm, xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nay rất vui mừng và cho biết mình sẽ hưởng ứng mạnh mẽ Nghị định của Chính phủ cấm mọi người dân uống rượu bia khi lái xe tham gia giao thông.
"Tôi sợ lắm rồi, uống rượu say lái xe nguy hiểm lắm. Bây giờ Chính phủ có quy định cấm lái xe khi đã uống rượu, nếu vi phạm sẽ phạt, tôi thấy đúng lắm. Làm chặt như thế chắc chắn tai nạn giao thông do rượu sẽ giảm", ông Bó nói.
Kiểm tra việc chấp hành quy định không uống rượu bia khi lái xe.
Chị Quàng Thị Quynh, cùng bản Hua Nặm cũng cho biết, từ ngày 1/1/2020 có quy định cấm uống rượu bia khi lái xe máy, xe ô tô, chị và các chị em khác trong bản vui lắm, ai cũng đồng tình hưởng ứng vì đồng bào vùng cao thường hay uống rượu. Sau một ngày lao động mệt mỏi, cánh đàn ông vẫn thường rót một chút rượu nhấm nháp cho “giãn gân cốt”.
Còn mỗi khi có bạn bè, khách quý đến nhà, hay dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… thì rượu là thứ không thể thiếu, chén chú, chén anh, mời nhau uống cạn là thể hiện tấm chân tình của cả chủ và khách. “Không say không về", không ít trường hợp còn chẳng nhớ sau đó sẽ lái xe đi về đâu.
Chị em dân tộc Thái ở Mường La, Sơn La và các tỉnh Tây Bắc rất đồng tình với quy định cấm uống rượu bia khi lái xe, bởi tốt cho sức khỏe và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, quy định người đã uống rượu bia thì không được lái xe, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt cao nhất đối với người điểu khiển xe đạp vi phạm nồng độ cồn là 600.000 đồng, người lái xe máy 8 triệu đồng, tài xế ôtô tới 40 triệu đồng. Ngoài ra, các tài xế còn bị tước giấy phép lái xe ôtô, xe máy tới 24 tháng…
Dù biết không mấy dễ dàng, bởi từ lâu đã quen cái “văn hóa rượu” của đồng bào mình, song vì sự an toàn khi tham gia giao thông, cánh đàn ông ở Mường La ai nấy đều bày tỏ sự đồng tình và quyết tâm hưởng ứng.
Anh Lèo Văn Thắm ở bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến ở bản Nà Đốc, Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La nói: "Bây giờ từ 1/1 uống rượu bia không được lái xe, tôi rất đồng tình, vì mình rượu bia vào khi lái xe không an toàn. Một số lần tôi uống rượu, kể cả đi chậm cũng bị ngã vì say quá".
"Bản thân tôi hoàn toàn nhất trí theo chủ chương này để hạn chế việc bà con uống rượu say lái xe gây tai nạn. Có Nghị định này ra, anh em bạn bè sẽ không ép nhau uống, thế là tốt nhất. Còn mức phạt thì tôi cũng nhất trí theo quan điểm của Nghị định", bác Lò Văn Biển nói.
Trong 10 ngày đầu ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, Công an huyện Mường La đã tạm giữ 1 xe ô tô, 2 xe mô tô vi phạm nồng độ cồn.
Thiếu tá Tòng Ngọc Sâm, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Mường La cho biết, trong 10 ngày đầu ra quân tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo tinh thần Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mường La đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp vi phạm, trong đó có 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 1 xe ô tô, 1 xe mô tô:
"Trên địa bàn huyện Mường La trước đây người dân điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, hoặc chất kích thích khác, cũng như chấp hành các quy định khác về Luật An toàn giao thông đôi lúc còn chưa nghiêm túc. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, chúng tôi nhận thấy bước đầu bà con nhân dân có ý thức chấp hành tốt hơn. Tỷ lệ người vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong việc sử dụng rượu bia và các chất kích thích giảm nhiều", Thiếu tá Tòng Ngọc Sâm nói.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng huyện Mường La sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để Nghị định 100 phát huy hiệu quả thực tế. Song, đáng mừng là bà con các dân tộc đã tự nâng cao nhận thức, ý thức “Không lái xe khi đã uống rượu, bia”, tất cả vì mục tiêu đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng khi tham gia giao thông./.