Chuyện không chỉ bây giờ
Sau khi bài viết: “Giọt nước mắt phía sau những “cây ATM gạo” phản ánh nỗi cơ cực, vất vả của người dân đến nhận gạo miễn phí được đăng tải trên báo Thanh Niên online ngày 17/4, chính quyền các địa phương nơi có những nhân vật được phản ánh trong bài viết đã có thông tin làm rõ về vấn đề này. Đồng thời khẳng định, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… không phải bây giờ mới diễn ra mà đã được thực hiện từ nhiều năm trước.
Phường Cổ Nhuế 2 trao quà hỗ trợ cho gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ ngày 7/4/2020.
Cụ thể, đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọ, tổ dân phố Trù 1, lãnh đạo phường Cổ Nhuế 2 cho biết, trước đây, gia đình bà Ngọ thuộc hộ nghèo của phường. Năm 2015, được sự giúp đỡ của 2 nhà hảo tâm và Hội liên hiệp Phụ nữ phường đã tiến hành sửa chữa nhà cho gia đình bà Ngọ với số tiền là 65 triệu đồng.
Năm 2018, phường Cổ Nhuế 2 đã kêu gọi được một nhà hảo tâm giúp đỡ mỗi tháng 1 triệu đồng với tổng số tiền là 12 triệu đồng. Chưa hết, trong các dịp lễ Tết, gia đình bà Ngọ và các hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn đều được chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ đầy đủ…
Nhờ đó, cuối năm 2019, thực hiện chủ trương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo giai đoạn 2016 - 2020, gia đình bà Ngọ được đưa ra khỏi hộ nghèo vì có một thành viên đang trong độ tuổi lao động.
Liên quan đến trường hợp của bà Ngọ, lãnh đạo phường Cổ Nhuế 2 cho biết, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, xét thấy gia đình bà Ngọ vẫn còn khó khăn nên phường đã đề xuất Câu lạc bộ thiện nguyện Cổ Nhuế tặng quà cho gia đình bà Ngọ như các gia đình chính sách, mỗi hộ 10kg gạo.
Tiếp đó, ngày 19/4, tổ công tác của phường Cổ Nhuế 2 đã xuống tặng quà hỗ trợ lần 2 cho gia đình bà Ngọ gồm 10kg, 1 thùng mỳ tôm, nước mắm, dầu ăn, bột canh. Cũng trong ngày, UBND phường Cổ Nhuế 2 đã tặng cho gia đình bà Ngọ 20kg gạo và 500.000 đồng…
Nhà của bà Đàm Thị Thịnh.
Tương tự, tại phường Quan Hoa - nơi bà Đàm Thị Thịnh, một trong những nhân vật trong bài viết “Giọt nước mắt phía sau những “cây ATM gạo”, lãnh đạo UBND phường Quan Hoa cho biết, trên địa bàn phường không có hộ nghèo (5 trường hợp), tất cả những hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… đều được chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và nhà hảo tâm quan hỗ trợ nhằm đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19.
Cụ thể, theo thống kê của UBND phường Quan Hoa, tính đến ngày 17/4, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm đã hỗ trợ 268 suất quà trị giá hơn 58 triệu đồng và 1.320kg gạo, 270 thùng mỳ tôm, 203 chai dầu ăn, 203 chai nước mắm và 940 quả trứng… cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn,
Đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng
Theo lãnh đạo UBND phường Quan Hoa, việc đảm bảo cuộc sống những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp khác thì phải do tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể thẩm định, lập danh sách trình lên. Trường hợp của bà Đàm Thị Thịnh là một ví dụ, mặc dù theo phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông thì gia đình bà Thịnh hết sức khó khăn.
Song, hiện tại bà Thịnh đang ở cùng với người cháu nội (SN 2001, đã đi làm), bên cạnh là nhà con trai. Bà Thịnh có nhà 4,5 tầng kiên cố bê tông cốt thép, diện tích mặt sàn khoảng 30m2, tầng 1 phòng khách, bếp, tầng 2 bà cháu ở, tầng 3 cho thuê (từ Tết để không do sinh viên chưa đi học trở lại). Vật dụng trong nhà có đầy đủ tivi, xe máy, điện thoại, tủ lạnh, bếp từ, điều hòa, bình nóng lạnh, máy giặt...
Hiện bà Thịnh sống bằng tiền tiết kiệm do mới bán đất cách đây khoảng 3 năm. Đặc biệt, theo lãnh đạo phường Quan Hoa, trong nhiều đợt họp bình xét của các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư đều không đưa hộ bà Thịnh vào diện đề nghị phường hỗ trợ hàng năm cũng như trong dịp dịch Covid-19.
Lực lượng chức năng phường Quan Hoa trao quà hỗ trợ cho gia đình bà Đàm Thị Thịnh sáng 20/4/2020.
Trao đổi với chúng tôi, bà Thịnh cho biết, những năm qua, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự chia sẻ của con cháu gia đình, số tiền tiết kiệm được từ việc bán 60m2 đất nên cuộc sống cũng tạm ổn. Khi được hỏi, cuộc sống đã đầy đủ sao còn phải đi lấy gạo tài trợ, bà Thịnh cho biết: "Tôi thấy hàng xóm đi thì cũng đi thôi, nhưng đi đúng lúc chỗ phát gạo đã nghỉ nên không lấy được".
Trong khi đó, em Nguyễn Hồng Lam Phương (sinh năm 2001), cháu của bà Thịnh cho biết, từ khi có dịch, bà đã tích trữ đầy đồ ăn trong nhà nên không lo thiếu đồ ăn. Cũng theo em Lam Phương, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, em làm việc tại một cửa hàng bánh ngọt trên đường Nguyễn Khánh Toàn, song lo ngại về dịch, em đã chủ động xin tạm nghỉ để phòng chống dịch.
“Cuộc sống của gia đình em vẫn ổn, bà em còn vừa phụ thêm tiền cho em để mua một chiếc xe máy mới trị giá hơn 32 triệu đồng” - em Lam Phương cho biết.
Như vậy có thể thấy, để đảm bảo cuộc sống của những trường hợp yếu thế, người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính quyền các địa phương và các đoàn thể xã hội, nhà hảo tâm đã có những hỗ trợ rất kịp thời, đầy đủ để đảm bảo cuộc sống của người dân. Điều quan trọng nhất chính là ý thức của người dân trong việc thực hiện solgan của các chương trình từ thiện trong mùa dịch Covid-19: “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.
Qua đây cho thấy, việc các cơ quan báo chí thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng đã gây hoang mang dư luận, làm khó chính quyền cơ sở. Không những vậy còn làm mất lòng tin của nhân dân đối với báo chí trong việc thông tin về công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 ở cơ sở.
“Trước kia, khi cháu bà Thịnh còn nhỏ, gia đình có khó khăn thật, nhưng từ khi bán đất, xây nhà, có phòng trọ cho thuê… thì cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều so với những hộ khác trong khu vực và tổ dân phố, nếu hỗ trợ cho gia đình bà Thịnh có lẽ gần nửa tổ cũng phải được hỗ trợ” - ông Phạm Văn Động - Tổ trưởng tổ dân số 9, phường Quan Hoa |