Thử lý giải hiện tượng Khá Bảnh
Kinhte&Xahoi
Phải nhìn vào sự thật rằng khủng hoảng niềm tin là thực trạng đang diễn ra trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Vừa qua, dư luận xôn xao bàn tán về nhân vật Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) khi anh này cùng một nhóm thanh niên dừng xe trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dàn hàng ngang tạo dáng chụp ảnh rồi tung lên Facebook.
Thật ra, đây không phải lần đầu Khá Bảnh làm "náo động" mạng xã hội. Trước đó, thanh niên này từng nổi tiếng và thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi bởi hình ảnh xăm trổ, vàng đeo đầy tay, kiểu tóc "bờm ngựa", quá khứ bất hảo, phát ngôn sốc, coi thường pháp luật, có những điệu nhảy không giống ai đăng tải trên mạng xã hội... Điều khiến nhiều người cảm thấy sốc chính là Khá Bảnh được giới trẻ hâm mộ, đón tiếp, phấn khích gọi tên, xin chụp ảnh… không khác gì những ngôi sao nổi tiếng. Hiện tượng Khá Bảnh gợi nhớ đến những hiện tượng "gây bão" mạng một thời như Lệ Rơi, Bà Tưng, "công chúa Thủy Tề" Tùng Sơn…
Vì sao những nhân vật như thế lại được tôn sùng như thần tượng? Một bộ phận giới trẻ "cuồng" những nhân vật này là vì điều gì? Tôi đã đặt câu hỏi đó cho vài học sinh cấp THCS và THPT - con, cháu trong gia đình và bạn bè - để rồi nhận được khá nhiều câu trả lời bất ngờ.
Khá Bảnh được nhiều bạn trẻ hâm mộ Ảnh: INTERNET
Nhiều bạn trẻ luôn có suy nghĩ muốn nổi loạn và nhu cầu thể hiện cái tôi khác biệt. Thông qua những hành động, sự việc "độc lạ", Khá Bảnh, Lệ Rơi, Bà Tưng, Kenny Sang… đã làm được điều đó - tạo ra sự mới mẻ cho người trẻ. Dù những cái mới mẻ đó không giống ai nhưng họ đã thể hiện cái tôi khác biệt của mình, không có giới hạn nên đã tiếp thêm "nguồn cảm hứng" cho nhiều bạn trẻ trong cuộc sống. Đó còn là việc dù bị xem là thành phần bất hảo (như Khá Bảnh) nhưng ít ra trong thế giới phi chính nghĩa đó vẫn có sự đối đãi rất… biết điều. Trong khi đó, ngoài xã hội, nhiều người khoác áo chính nghĩa nhưng nói không đi đôi với làm, sống dối trá, sẵn sàng hại nhau, làm những điều xằng bậy, vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, dù "thần tượng" có không giống ai, thậm chí làm sai điều gì nhưng không ảnh hưởng đến hình tượng mà nhân vật đã tạo dựng thì nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận.
Có thể hiểu rằng người trẻ, nhất là học sinh, chưa định hình nhân cách rõ ràng, chưa nhận biết đúng - sai và những điều chân giá trị. Vì vậy, họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố truyền thông, đồn thổi, xu hướng. Tuy nhiên, qua đó cũng thể hiện một điều là một bộ phận giới trẻ đang khủng hoảng niềm tin và thần tượng.
Phải nhìn vào sự thật rằng khủng hoảng niềm tin là hiện tượng đang thực sự xảy ra trong xã hội chúng ta, trên nhiều khía cạnh cuộc sống, nhiều lĩnh vực xã hội (giáo dục, y tế, môi trường, giao thông…). Nhiều nơi, người dân phải đối mặt với thực trạng thực phẩm bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, tai nạn giao thông… đến những vụ án tham nhũng, lãng phí, cố ý làm trái, chạy chức, chạy quyền, chạy điểm… Rồi giá trị gia đình và mối quan hệ với các thành viên trong gia đình lung lay, dễ đổ vỡ do thiếu vắng tình thương, trách nhiệm… Đặc biệt, xã hội bị chi phối bởi đồng tiền và lợi ích vật chất khiến các giá trị văn hóa, nhân văn bị lu mờ. Xu hướng cá nhân hóa ngày càng phổ biến khiến nhiều người vì bản thân, bất chấp lợi ích cộng đồng… Tất cả những điều đó trái ngược với những gì người trẻ được học, khiến các em hoang mang, mất niềm tin.
Làm cách nào để hiểu giới trẻ và đồng hành với họ để có sự hướng dẫn, chỉ lối? Làm sao để các bạn trẻ nhận thức được trào lưu nào là tốt hay xấu, điều gì cần ủng hộ và điều gì cần ngăn chặn? Làm sao để thần tượng một người nhưng không chấp nhận những hành vi đi ngược quy chuẩn đạo đức, vi phạm pháp luật…? Đây chính là vấn đề thách thức đối với ngành giáo dục, truyền thông và các bậc phụ huynh.
Theo Người lao động/Phapluatplus.vn