Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước
Kinhte&Xahoi
Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” vừa diễn ra trong ngày 21/11 rất được nhiều người trông đợi, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được thành lập, đại diện chủ sở hữu tập trung 19 tập đoàn, tổng công ty.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra các yếu kém đó mà ông gọi là “bên trong có rất nhiều vấn đề”. Một trong những “vấn đề” đó là tình trạng “sân trước, sân sau”, Thủ tướng khẳng định: “Không những 1 “sân trước” mà 4, 5 “sân sau”. Có ông 14-15 cái sân sau, đừng nói là Thủ tướng không biết”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu DNNN đi đầu trong phát triển, cầm trịch nền kinh tế.
Đúng là một lời cảnh báo có sức nặng kèm theo với lưu ý là công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra nội bộ “có vấn đề” nên để xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn trong đơn vị mà một hệ lụy rất rõ ràng là nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang phải ở tù.
Thủ tướng cho rằng vấn đề then chốt trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa. Ông chỉ ra nguyên nhân của các yếu kém trong lĩnh vực này là tư tưởng “yên vị”, “bình cũ, rượu mới”, tâm lý e sợ mất vị trí, vai trò, quyền lợi,... và có cả sự đối phó, sợ trách nhiệm của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Thấy rõ qua nhận xét của Thủ tướng là những cái rất quan trọng trong làm ăn kinh tế là chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu,... thì hầu như tất cả đều “có vấn đề”! Và vì thế, vai trò, vị thế, trách nhiệm người đứng đầu lại được đưa ra như một nhân tố quyết định, góp phần không nhỏ đến thành bại của một doanh nghiệp.
“Lợi ích nhóm” trong các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề đặc biệt quan tâm và phải loại trừ. Đơn giản, nếu bị “lợi ích nhóm” chi phối thì ngay đến chuyện “chọn người tài, bỏ người nhà” cũng khó mà thực hiện chưa nói đến việc “sân trước, sân sau” và đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả.
Thủ tướng cũng lưu ý đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra phải tạo điều kiện để doanh nghiệp làm việc, thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội” và ông cũng đề nghị Bộ Nội vụ chú ý trong vấn đề nhân sự, “ngâm mãi, người ta lại tưởng chạy chọt”.
Đã có những biểu hiện tích cực trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian gần đây. Hội nghị này nhìn nhận thực trạng, đưa ra những biện pháp tích cực nhằm thay đổi “diện mạo” của doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng đã “bắt bệnh” chính xác, cũng như “mở đường” kịp thời, hy vọng sẽ có nhiều biến chuyển trong thời gian tới đây.
Theo Phapluatplus