Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến phức tạp

31/03/2023 16:47

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu với số lượng lớn. Đây được xem là vấn nạn nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng đến thương hiệu có uy tín, chất lượng mà còn có thể gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng

 Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội) cho biết, trước đó, ngày 17/3/2023, Đội Quản lý thị trường số 17 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Đội 5, Phòng PC03, Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại số NO.06 LK6-10 khu Dọc Bún 1, khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Tại đây qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ lô hàng hóa gồm 7.850 sản phẩm (quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang, thực phẩm bổ sung, đàn ghita….). Tất cả số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, đáng lưu ý số hàng hóa trên có các nhãn hiệu đã và đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh số hàng hóa nói trên. Trị giá lô hàng hóa vi phạm tạm ước tính trên 1tỷ đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ hàng lậu tại điểm vận chuyển hàng hóa trên địa bàn quận Đống Đa

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện cơ sở kinh doanh còn có các hành vi vi phạm: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh không thực hiện việc niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định.

Hiện, Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 23/2, Đội Quản lý thị trường số 01 (Quản lý thị trường Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hoá tại địa chỉ P2.11.12, Park 2, Khu Đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng (tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng). Tất cả các viên thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giầy tờ hợp pháp liên quan đến các loại hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh thông tin về hàng hóa để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa vi phạm bị phát hiện

Ngày 6/3, Đội Quản lý thị trường số 07 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4 - phòng PC05, Công an Hà Nội kiểm tra điểm kinh doanh rượu thủ công tại địa chỉ số 166 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cơ sở trên có 540 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hoá vi phạm gần 25 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 07 đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phải xử lý nghiêm minh, công khai các trường hợp vi phạm

 Để xử lý số lượng hàng hóa thu giữ được trong các vụ việc, ngày 10/3 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá gần 8,5 tỷ đồng hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Số lượng hàng hóa tiêu hủy lần này gồm 2.745 kg thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm…; 1.320 kg khí N20 (bóng cười); 800 kg hàng hóa là xe máy điện (không có ắc quy), bút camera, cục định vị, kính mắt camera, củ sạc camera, móc khóa ghi âm; 130kg rượu không rõ nguồn gốc; 525 kg xăng; 230 kg nồi cơm điện, bo mạch chủ máy tính, điều hòa…

Hàng hóa tiêu hủy là tang vật các vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mà lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện bắt giữ trong năm 2021 và 2022. Riêng lô hàng nước hoa có giá trị lên tới khoảng 6 tỷ đồng, lô hàng điện thoại đã qua sử dụng có giá trị gần 1 tỷ đồng…

Số lượng hàng hóa bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Cụ thể đối tượng lợi dụng quy định Nghị định 119/2018/NĐ-CP về việc sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn.

Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Hàng hóa được các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường Hà Nội đang diễn ra với những phương thức khác nhau. Thủ đoạn phổ biến là giả mạo về tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối sản phẩm.

Thông tin của Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, riêng trong tháng 2/2023 lực lượng chức năng thành phố Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện xử lý trên 1000 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Phát hiện xử lý 153 vụ hàng lậu, hàng cấm, 26 vụ hàng giả, 824 vụ gian lận thương mại xử lý phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 300 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành chính 101 tỷ đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra hơn 200 tỷ đồng.

Mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý ngày càng gia tăng, song việc kiểm tra xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho mỗi người dân đều hiểu, cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ; Để mỗi doanh nghiệp chủ động phối hợp cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả là cách bảo vệ thương hiệu hiệu quả nhất.

Do đó, các lực lượng chức năng trên cả nước cần xây dựng các phương án, kế hoạch xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nổi cộm; Thường xuyên trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin với các ngành, lực lượng chức năng; Đồng loạt ra quân xử lý kiên quyết, triệt để các hiện tượng vi phạm nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm minh, công khai các tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,...

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/tinh-hinh-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-co-xu-huong-dien-bien-phuc-tap-220790.html