Tổng cục Quản lý thị trường bác tuyên bố của Asanzo
Kinhte&Xahoi
Tổng Giám đốc Asanzo nói “Tổng cục QLTT và VCCI đã kiểm tra và khẳng định chúng tôi không vi phạm quy định của luật pháp Việt Nam”, trong khi đại diện QLTT thì khẳng định không có bất kỳ văn bản nào ghi nhận về việc ghi nhãn hàng hóa của Asanzo.
Ảnh Chí Hiếu/Thanh Niên
Ngày 17/9, Asanzo đã tổ chức cuộc họp báo với tiêu đề “được minh oan”, trước cáo buộc giả xuất xứ hàng hoá tại 2 văn bản. Văn bản thứ nhất là báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
“Theo báo cáo này, Tổng cục QLTT không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã tiến hành kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp”, đại diện Asanzo cho biết.
Văn bản thứ hai mà Asanzo cho rằng đã khẳng định mình không giả xuất xứ hàng hoá đó là Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo đại diện Asanzo, Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các sản phẩm điện tử Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, khẳng định mình không sai phạm về xuất nhập khẩu, Asanzo còn dẫn kết luận kiểm tra của Cục kiểm tra sau Thông quan (Tổng cục Hải quan) như sau: “Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu thông tin do công ty cung cấp, tài thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”.
Sau phần công bố nói trên của Asanzo, rất nhiều câu hỏi, thắc mắc được đặt ra đối với ban lãnh đạo công ty này. Trong đó có các vấn đề như: nghi vấn trốn thuế, nhiều công ty liên quan tới Asanzo bỏ trốn, địa chỉ “ma”…
Trả lời những câu hỏi của phóng viên về việc hàng loạt công ty liên quan Asanzo là doanh nghiệp “ma”, luật sư của Asanzo khẳng định không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào đối với các công ty này.
Đại diện Asanzo cũng khẳng định, đến thời điểm này, cơ quan nhà nước chưa ban hành kết luận gì về việc Asanzo sai phạm, nhưng vì Ban lãnh đạo Asanzo quá “sốt ruột” trước tình trạng thiệt hại của doanh nghiệp nên đã xin phép tổ chức họp báo để công bố các văn bản mà Asanzo đang có trong tay.
Trước thắc mắc của các phóng viên về việc Asanzo căn cứ vào văn bản của Tổng cục QLTT và văn bản của VCCI có đủ cơ sở để kết luận và tuyên bố “Asanzo được minh oan” mà không có sự chứng kiến của các cơ quan quản lý hay không, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, với hai văn bản trên, hiện tại chưa có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kết luận Asanzo có vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa như một số tờ báo đã quy kết.
“Asanzo đã nhập cả nghìn tỷ đồng tiền linh kiện để lắp ráp tại Việt Nam như vậy sao phải làm giả xuất xứ. Tổng cục QLTT và VCCI đã kiểm tra và khẳng định chúng tôi không vi phạm quy định của luật pháp Việt Nam. Hy vọng các bộ sẽ công bố sớm để ổn định sản xuất” , Tổng Giám đốc Asanzo nói.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên PLVN đã liên lạc với Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh để xác minh về một số thông tin mà Asanzo đã đưa ra trong buổi họp báo ngày 17/9, ông Linh khẳng định: Tổng cục QLTT không có bất kỳ văn bản nào ghi nhận về việc ghi nhãn hàng hóa của Asanzo. Văn bản của Tổng cục chỉ đề cập đến tình trạng hoạt động của một số doanh nghiệp có làm ăn với Asanzo.