Hoạt động vận tải tại Bến xe khách Nước Ngầm. Ảnh: Phạm Tùng
Khó khăn còn chồng chất
Từ ngày 30/4, Bộ GTVT đã có quyết định cho phép xe khách liên tỉnh (XKLT), xe hợp đồng… được khôi phục toàn bộ hoạt động. Khảo sát tại các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm trong ngày 30/4 cho thấy, dù đã được phép chở đủ số ghế, nhưng nhiều xe vẫn xuất bến với lượng khách khá khiêm tốn. Anh Tống Đức Thuần - lái XKLT tuyến Mỹ Đình - Hàm Yên nhận định: “Một phần do nhu cầu đi lại của người dân thấp hơn mọi năm, phần khác quan trọng hơn là xe hợp đồng Limousine, xe khách “trá hình” quá đông, phục vụ tận nơi nên khách bỏ bến rất nhiều”.
Vận tải khách liên tỉnh còn cực kỳ khó khăn, cần thêm những liều thuốc “hồi sức” nữa mới có thể đứng vững.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng
|
Đây vẫn là vấn đề nhức nhối lâu nay của Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Càng dịp lễ, Tết, xe khách trá hình càng hoạt động mạnh. Với lợi thế đưa đón tận nhà, xe chở ít khách, chất lượng dịch vụ hơn hẳn, xe khách “trá hình” đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường vận tải khách liên tỉnh từ lâu. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tâm lý của không ít hành khách ngại đi xe đông, hoặc có ra bến cũng chưa chắc đã lên được xe vì bị giới hạn số lượng ghế ngồi. Hơn nữa, việc kiểm soát xe chở khách liên tỉnh chỉ được thực hiện chặt chẽ tại các bến xe, DN có đăng ký loại hình này. Còn với xe khách “trá hình”, kể cả Bộ GTVT lẫn cơ quan chức năng nhiều địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp nào hữu hiệu.
Những ngày qua, hiện tượng xe khách “rùa bò”, lê la trên các tuyến đường: Phạm Hùng, Pháp Vân, Kim Đồng, Giải Phóng… hay nhồi nhét chở quá số người lại tái diễn. Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp cho biết, để đảm bảo trật tự, ATGT cũng như phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân, kết hợp tuyên truyền với xử phạt vi phạm tại các bến xe, cửa ngõ lớn của Thủ đô. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử lý hàng chục trường hợp, phạt tiền rất nặng nhưng thực tế là vẫn chưa thể ngăn được vi phạm. Một chủ xe trên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa (xin giấu tên) bộc bạch: “Vừa nghỉ mấy tháng vì dịch bệnh, khó khăn, nợ nần chồng chất, lượng khách đến bến lại ít. Buộc lòng chúng tôi phải tìm cách tránh né lực lượng chức năng, cố “bắt” thêm vài người khách trên đường. Chẳng may bị phạt cũng đành chịu”.
Bên cạnh đó, nhiều DN vận tải cho biết, có không ít khó khăn đã ngay lập tức trở lại cùng với việc khôi phục hoạt động. Ví dụ như các loại thuế, phí, lệ phí bến bãi… hoạt động lại ngày nào DN phải nộp đủ từ ngày đó, trong khi những thiệt hại giai đoạn bị ảnh hưởng với dịch bệnh Covid-19 chưa kịp bù đắp. Trên thực tế, nhiều DN kinh doanh dịch vụ XKLT vẫn chỉ chạy cầm chừng, lượng khách chỉ đạt từ 30 - 40% công suất phục vụ.
Đưa chính sách vào thực tế
Để hỗ trợ các DN nói chung và trong lĩnh vực vận tải nói riêng vượt qua khó khăn trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tài chính có biện pháp hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên, nhiều DN vận tải hành khách liên tỉnh phản ánh, chính sách hỗ trợ về giãn nợ gốc, giảm lãi suất vẫn chưa được các ngân hàng hiện thực hóa, gánh nặng chi trả vẫn đang gây áp lực rất lớn. Đại diện DN vận tải Anh Huy (Hải Phòng) lo lắng cho biết: “Không biết chúng tôi có được giảm lãi, ân hạn trả nợ hay không, đến nay phái ngân hàng vẫn chưa có quyết định nào rõ ràng”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng cho rằng, Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất nhân văn, kịp thời và thiết thực. Do vậy, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần xem xét tiếp tục miễn giảm một số loại phí, lệ phí như bến bãi, cầu đường, thuế… “Bởi hiện nay DN vẫn đang hoạt động cầm chừng, chỉ đạt 30 - 40% doanh thu, chưa thực sự hồi phục. Nếu phải nộp đủ như trước khi có dịch bệnh Covid-19 thì DN còn lâu mới hồi phục được” - ông Bằng phân tích. Một trong những loại phí được các DN vận tải khách liên tỉnh kiến nghị miễn, giảm nhiều nhất là Phí bảo trì đường bộ, thu theo từng đợt khi kiểm định phương tiện. Thực tế nhiều tháng qua, XKLT bị cắt giảm tần suất, rồi ngừng hẳn hoạt động, vừa không có thu, lại vừa không vận hành trên đường. Bởi vậy, nhiều DN cho rằng việc thu đủ, thu bắt buộc Phí bảo trì đường bộ như trong hoàn cảnh bình thường là không phù hợp.
Ngoài ra, nhiều DN vận tải còn mong muốn Bộ GTVT và các Sở GTVT địa phương xem xét, tiếp tục cho phép DN linh hoạt tần suất hoạt động của phương tiện. Anh Tống Đức Thuần chia sẻ: “Lượng khách đến bến hiện nay giảm hơn nửa, kể cả kỳ nghỉ lễ, Tết. Nếu cứ phải chạy đủ tần suất sẽ dẫn đến xe chạy rỗng, thua lỗ không kém gì thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khiến DN vận tải khách lo sợ nhất chính là việc ngày càng nở rộ loại hình xe khách “trá hình”. Loại hình này, trong giai đoạn phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, tổn thất thấp hơn XKLT rất nhiều; khi khôi phục hoạt động lại kiếm được lợi nhuận cao hơn hẳn do không phải nộp các loại phí bến bãi, quản lý… Việc Bộ GTVT và cơ quan quản lý tại các địa phương vẫn loay hoay không xử lý nổi xe khách “trá hình” vô hình chung đang góp phần đẩy DN vận tải làm ăn chân chính đến bờ vực phá sản, đặc biệt trong thời điểm đuối sức này.