Vì sao đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình?

03/07/2023 11:15

Kinhte&Xahoi Năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát sinh khoản lỗ thuần năm 2022 là 2.570 tỷ đồng và lỗ lũy kế lên tới 2.101 tỷ đồng.

Lỗ ròng sau kiểm toán tăng thêm gần 1.430 tỷ đồng

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã chứng khoán: HBC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 do Công ty ty TNHH Ernst & Young Việt Nam là đơn vị kiểm toán.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 14.149 đồng, tăng gần 25% so với năm 2021.

So với kế hoạch doanh thu năm, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình mới đạt gần 81% chỉ tiêu đề ra.

Các chi phí của tập đoàn trong năm 2022 đều tăng mạnh so với 2021. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 72% chủ yếu do chi phí lãi vay tăng (HBC đi vay 6.130 tỷ đông, tăng hơn 1.033 tỷ đồng so với đầu năm).

Chi phí doanh nghiệp lên đến 2.246 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi (1.689 tỷ đồng).

Kết quả, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng trong năm 2022.

Đáng chú ý, tại báo cáo tự lập được công bố trước đó, doanh nghiệp này chỉ lỗ ròng 1.138 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ lớn nhất của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ khi niêm yết.

Xét về dòng tiền, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình âm hơn 883 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 15.594 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.

Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 10.672 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản, trong đó phải thu của khách hàng là 6.590 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 3.665 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2022, nợ phải trả của Tập đoàn lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn, trong đó phải trả người bán ngắn hạn là 4.738 tỷ và đi vay 6.130 tỷ đồng, đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tại báo cáo tài chính năm 2022, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát sinh khoản lỗ thuần năm 2022 là 2.570 tỷ đồng và lỗ lũy kế lên tới 2.101 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình âm tới 883 tỷ đồng.

Tại ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình còn có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn.

Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.

Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện một số nghiệp vụ tạm ứng khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được HĐQT Tập đoàn thông qua ngày 20/5/2023.

Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phóng sự: Lời thề giữa biển

Trường Sa! Hai tiếng thiêng liêng, sâu nặng trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam. Trường Sa! trạm gác tiền tiêu, pháo đài canh gác, lá chắn vững chắc từ hướng biển; là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh đất nước.

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/dia-oc/vi-sao-don-vi-kiem-toan-nghi-ngo-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-cua-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-d195709.html