Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người trong 2-3 tuần nữa
Kinhte&Xahoi
Thông tin từ Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), vào cuối tháng 11, chậm nhất đầu tháng 12, vaccine Covid-19 do Công ty Nanogen phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người.
Ảnh minh họa
Bộ Y tế đang xem xét, nếu hồ sơ đủ yêu cầu sẽ phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức tuyển chọn tình nguyện viên. Học viện Quân y dự định sẽ là nơi triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên người tình nguyện. Theo kế hoạch của nhà sản xuất, vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam sẽ tiến hành tiêm trên 60 tình nguyện viên, chia thành nhiều giai đoạn.
Giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiêm 20 người, giai đoạn 2 tiêm cho 40 người. Thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là sau 2-3 tháng kể từ khi tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vaccine. Để bảo đảm an toàn, Bộ Y tế sẽ cho tiêm 1-2 người đầu tiên, chờ phản ứng và xác định tính an toàn trong 72 giờ, sau đó tiêm cho những người còn lại.
Cùng với vaccine của Nanogen, Việt Nam còn có một sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ tiền lâm sàng là vaccine Covid-19 của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) để có thể thử nghiệm lâm sàng đầu năm 2021. Theo Bộ Y tế, mục tiêu là quý 4-2021 sẽ có vaccine Việt Nam hoàn thành các khâu thử nghiệm, xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc mua vaccine trên thế giới rất khó khăn. Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh vaccine toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vaccine giá rẻ, có trợ giá. Theo tính toán là vào khoảng 2 USD (tương đương khoảng 47.000 đồng)/ liều, 4 USD hai liều cho một người thì cũng chỉ vài phần trăm tới tối đa 20% số người trên thế giới có thể tiếp cận.
Phó Thủ tướng cũng thông tin, hiện chưa có công ty nào cam kết bán vaccine COVID-19. Việt Nam đang tham gia nghiên cứu, còn mua trực tiếp thì hiện chúng ta đã xúc tiến làm việc với các đối tác. Phó Thủ tướng cho hay "việc mua vaccine sớm không hề dễ vì tất cả hiện nay đều nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và cũng chưa có gì chắc chắn cả". Các Chính phủ nếu muốn mua gần như đều phải đặt cọc và trả tiền trước với các công ty và chấp nhận chịu rủi ro.
Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp căn cơ nhất hiện nay vẫn là các biện pháp phòng dịch, và chung sống an toàn, đòi hỏi tất cả các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, chợ, công sở,… phải nghiêm túc phòng, chống dịch.
Xuân Thành - Pháp luật Plus