Thảo luận tổ về báo cáo KT-XH chiều 22/10, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Một năm không ít khó khăn thách thức, tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các mặt, có thể đo đếm được thông qua 7 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch theo nghị quyết của Quốc hội.
Để đạt kết quả trên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga là Chính phủ ngay từ đầu năm đã có cách làm rất bài bản khi ban hành Nghị quyết 01 và các văn bản xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, các nhóm giải pháp và hàng trăm nhiệm vụ củ thể.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Bên cạnh đó là sự chỉ đạo bám sát thực tiễn, tạo không khí phấn khởi trong xã hội về xúc tiến đầu tư, khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân. Điều đó tạo hình ảnh Chính phủ năng động, linh hoạt trong giải quyết những vấn đề thực tiễn. Cùng với đó là sự ứng phó kịp thời với tình hình, khi có sự việc thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ ngành có mặt kịp thời chỉ đạo trực tiếp, động viên bà con nhân dân.
Cần có cơ quan nghiên cứu quy luật của tham nhũng
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy với quyết tâm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rõ đến đâu xử lý đến đó. “Trước đây một vụ án phải đợi làm xong hết các nhánh mới xử lý thì thời gian qua rõ đến đâu xử lý đến đó”.
Một điểm mà bà Lê Thị Nga coi là bước tiến chính là điều tra, chứng minh làm rõ được hành vi tham nhũng trong vụ án lớn. Bởi, trước đây ít chứng minh được yếu tố vụ lợi trong các vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
“Quy luật đường đi của đại đa số các vụ án trên có yếu tố vụ lợi, không loại trừ đa số cố ý làm trái theo quy luật có lợi ích. Trước đây ít chứng minh được thì nay làm rõ được khá nhiều vụ. Có vụ đấu tranh khá cương quyết, truy tố được tội nhận hối lộ với số tiền lớn như vụ ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Đây là vụ đưa – nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt” – bà Nga phân tích và cho biết thu hồi tài sản tham nhũng theo báo cáo cũng khá hơn so với trước đây.
Đối với công tác thanh tra và điều tra, theo bà Lê Thị Nga, thời gian qua có nhiều nỗ lực. Đa số kết luận thanh tra được cử tri, nhân dân ủng hộ mặc dù không ít vụ khó khăn, phức tạp kéo dài; nhiều vụ án lớn được điều tra làm rõ.
Về công tác phòng ngừa tham nhũng, Chính phủ ban hành Nghị định 59 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó xử lý cụ thể các tình huống xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng. Bộ Chính trị đã ban Quy định 205 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
“Trước đây nói chung chung thì nay cấm gì, không được làm gì thể hiện rõ, như không bố trí người thân vào vị trí nào. Các văn bản đó tác động lớn đến phòng ngừa tham nhũng một cách trực diện” – bà Lê Thị Nga dẫn chứng.
Tuy vậy, nữ đại biểu cho rằng Chính phủ phải có cơ quan nghiên cứu về quy luật của tham nhũng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Tham nhũng lớn, lợi ích nhóm, sân sau sân trước có biểu hiện gì, cách thức thế nào?
“Cần có Viện nghiên cứu, như qua các vụ AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn thua lỗ... rút ra cái gì để phòng ngừa? Chúng ta mãi đi chống mà thiếu nghiên cứu quy luật trong khi tham nhũng có quy luật. Đằng sau các sai phạm có yếu tố vụ lợi, tham nhũng, chỉ có điều ta không chứng minh được thôi” – bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Tương tự, theo bà Nga, tham nhũng vặt làm người dân rất khó chịu thì cũng cần làm rõ nằm chủ yếu ở ngành nào: Thủ tục hành chính về đất đai, hải quan, thuế, y tế, giáo dục... có không? Cần điều tra và khẳng định để giao trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó.
“Có lĩnh vực người dân nói tham nhũng vặt nhiều nhưng ông trưởng ngành bảo không có, rồi báo chí có đưa một số chứng cứ nhưng cũng khó khăn” – bà Nga nói và đề nghị phải có điều tra cụ thể. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật./.