Vụ Dược Tâm Bình có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo: 'Mập mờ đánh lận con đen'?
Kinhte&Xahoi
Công ty Tâm Bình phủ nhận trách nhiệm liên quan với những trang web, mạng xã hội đang quảng cáo sai sự thực nhưng lại cho thấy sự thiếu trung thực khi sử dụng những hình ảnh, clip quảng cáo đó để giới thiệu về sản phẩm của mình?
Đánh tráo khái niệm?
Như đã phản ánh hiện nay trên website https://chuabenhgout.net và https://daitrang.net đăng tải rất nhiều chia sẻ của bệnh nhân về 2 sản phẩm Viên Gout Tâm Bình và Đại tràng Tâm Bình là thực phẩm chức năng do Công ty TNHH SX & TM Dược phẩm Tâm Bình sản xuất và phân phối đều chung một mô típ: Khách hàng bị bệnh nhiều năm, bệnh kinh niên thì chỉ cần sử dụng các sản phẩm nêu trên là sau một vài tháng đã có thể khỏi bệnh.
Trên trang Web tambinh.vn sử dụng những clip cho là bị mạo danh để quảng cáo?
Đáng chú ý, những bệnh nhân này đều có địa chỉ, tên tuổi và công khai bằng hình ảnh, video clip phỏng vấn, thậm chí cả dựng phim phóng sự kể về hành trình dùng Viên Gout Tâm Bình và Đại tràng Tâm Bình đã chữa khỏi bệnh như thế nào.
Qua tìm hiểu, trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh xương khớp Bộ Y tế thì bệnh Gout không thể khỏi hẳn được, bệnh nhân cần được điều trị dự phòng tái phát cơn gút cấp, cũng như dự phòng lắng động urat trong các tổ chức, dự phòng biến chứng bởi biến chứng của bệnh Gout.
Tuy nhiên, trong các bài viết “câu chuyện bệnh nhân”, đều sử dụng những đoạn trích nguyên văn lời của bệnh nhân để quảng cáo sử dụng Viên Gout Tâm Bình sau vài tháng là khỏi bệnh, khiến bệnh nhân hiểu nhầm rằng bệnh này khỏi hẳn được, không cần điều trị nữa, rất có thể dẫn tới những biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng cho bệnh nhân.
Khi PV gọi điện vào số hotline đăng tải trên trang web https://chuabenhgout.net (trùng với số hotline trên trang chủ tambinh.vn của Công ty Tâm Bình) thì cũng được nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn Gout là căn bệnh không chữa được, một số bệnh nhân chia sẻ đã “khỏi” bệnh chỉ là cách hiểu hạn chế theo cách không còn tái phát cơn đau?
Nhưng thực tế, việc sử dụng hình ảnh bệnh nhân để quảng cáo trên trang web nêu trên thì cho thấy viên Gout Tâm Bình thì hoàn toàn ngược lại, đều chung 1 “tuyên ngôn” đã khỏi bệnh Gout?
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Nga - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang có bài viết chuyên môn đăng tải trên website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có nội dung: Hiện nay, viêm đại tràng co thắt mạn tính vẫn chưa có thuốc đặc trị. Viêm đại tràng co thắt mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh, thậm chí là nguyên nhân gây ra ung thư đại tràng. Tuy nhiên, tìm hiểu trang web https://daitrang.net thì lại rất nhiều thông tin khẳng định sau khi uống Đại tràng Tâm Bình đã có thể khỏi hoàn toàn bệnh cũ.
Với những dấu hiệu trên thì hai trang web trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh.
Hai trang web bị cho là mạo danh Tâm Bình.
Phủ nhận trách nhiệm?
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Dược Tâm Bình phủ nhận trách nhiệm liên quan đến những trang web nêu trên, đồng thời cho rằng đó là những trang web giả mạo, không chính danh. Thậm chí, đại diện Công ty Tâm Bình còn cho rằng đang liên hệ với cơ quan chức năng để điều tra và khuyến cáo những trang web mạo danh nêu trên. Đồng thời, đại diện Công ty Tâm Bình còn cho rằng những trang web nêu trên được chính các đối thủ đang cạnh tranh lập ra để nhằm làm “mồi câu” hạ uy tín của công ty.
Đại diện Công ty Tâm Bình cho biết thêm, ngoài giấy phép quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm của Công ty Tâm Bình trên những web chính danh, còn lại hiện công ty này không thực hiện các video, clip quảng cáo khác trên mạng xã hội youtube, facebook và những kênh khác. Do đó, tất cả những thông tin quảng cáo đang tồn tại trên mạng xã hội là trôi nổi và không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, những lời giải thích Tâm Bình đang là nạn nhân do những trò bẩn của đối thủ cạnh tranh có sự mâu thuẫn. Bởi, PV đã gọi điện tới số hotline 0865344349 (trùng với số hotline của Công ty Tâm Bình) đăng trên các web mà đại diện Công ty Tâm Bình cho rằng là giả mạo thì đều được nhân viên tổng đài giới thiệu là nhân viên của Công ty Tâm Bình. Thậm chí, chỉ cần click chuột đặt hàng, hoặc để lại số điện thoại thì hiện ra đường dẫn vào trang web chính thống của Công ty Tâm Bình, hoặc được nhân viên tư vấn gọi lại. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Hơn nữa, tất cả những video, clip, hình ảnh bệnh nhân, bác sỹ trên các trang web được cho là giả mạo đều được dựng rất công phu, chuyên sâu… Vậy trên thương trường liệu có đối thủ nào lại cạnh tranh “lịch sự” như vậy với Tâm Bình hay không?
Đặc biệt, không khó có thể tra cứu các thông tin trên chính website: tambinh.vn để thấy một loạt clip có sử dụng hình ảnh bác sỹ, bệnh nhân nối tiếp nhau được sử dụng để minh họa cho bài viết “Viên Gout Tâm Bình dùng có tốt không?”. Hơn hết, những clip này trùng khớp và cũng đang đăng tải tràn lan công khai trên mạng xã hội. Ngoài ra, nối sau theo là nhiều video quảng cáo khác được trích nguồn từ mạng xã hội được chạy trên trang web cho là chính thống của Tâm Bình.
Như vậy, nếu như khẳng định của đại diện Công ty Tâm Bình là chưa từng quảng cáo bằng clip trên trang mạng xã hội như đã ở trên tiếp tục cho thấy mâu thuẫn. Liệu rằng đó có phải là ngụy biện để phủ nhận trách nhiệm có liên quan với 2 trang web nêu trên mà Tâm Bình cho là mạo danh. Nếu quả thực như vậy thì Tâm Bình thực chất đang ngược lại với “tuyên ngôn”, “Tâm Bình - Mang cả tâm tình trong từng sản phẩm”.
Năm 2015 , với sản phẩm viên khớp Tâm Bình, Cục ATTP quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty Dược phẩm Tâm Bình do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Viên khớp Tâm Bình có nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
|
Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
|
Nhóm PV