Tiến trình này có hai “nút thắt” về ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề này đang được các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh tháo gỡ.
Nếu được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu
Hai “nút thắt” của thị trường chứng khoán
Nâng hạng thị trường chứng khoán là chủ trương chung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua.
Theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15-2-2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30-6-2024.
Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc; quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025.
Liên quan đến việc nêu trên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường và trao đổi thông tin về nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường.
Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) Phạm Thị Thùy Linh cho biết, các tổ chức xếp hạng quốc tế chia thị trường chứng khoán làm 4 nhóm chính gồm: Nhóm một là thị trường phát triển có vốn lớn, độ mở cao, khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài lớn, các sản phẩm trên thị trường này có độ phức tạp cao.
Nhóm hai gồm thị trường mới nổi có khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, tính quy mô, tính thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ (tổ chức xếp hạng hiện tại chia nhóm này làm hai thứ hạng là thị trường mới nổi bậc cao và thị trường mới nổi thứ cấp).
Nhóm ba, thị trường cận biên, là nhóm thị trường đã bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài, Việt Nam đang ở thứ hạng này.
Nhóm bốn, thị trường chưa được xếp hạng, là những thị trường có bất ổn chính trị hoặc quy mô nhỏ.
Với thực tế hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp. Thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định
Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp cho việc ký quỹ; đồng thời trình Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung một số quy định, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và phải bảo đảm hoạt động thanh toán.
Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất. Cùng với đó là kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành khác tiến hành rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có quy mô lớn. Việc này dự kiến áp dụng đối với các công bố bằng tiếng Anh với công bố thông tin định kỳ và tổ chức niêm yết có quy mô lớn từ ngày 1-1-2025; đối với thông tin bất thường từ ngày 1-1-2026; áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng từ ngày 1-1-2028.
Theo các chuyên gia, nếu được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tác động rõ nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030...
Hương Thủy - Hà Nội mới