Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu chức danh này.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước. Ngay sau đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ trước Quốc hội theo quy định của Hiến pháp.
Tiếp đó, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Các ĐBQH thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu chức danh này.
Với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vào Đảng năm 1982, ông có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân kinh tế.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.
Năm 2006, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu khi 52 tuổi; vào Bộ Chính trị lần đầu vào năm 2011, khi 57 tuổi.
Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc đã kinh qua các chức vụ như: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
8/2011 - 4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị (khoá XI và khoá XII), Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
4/2016 - 7/2016, là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 26/7/2016: Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ngày 30/1/2021, tại Đại hội Đảng XIII của Đảng, ông được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Sau đó, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021-2026.
Vũ Quang - Phan Tuyền - Pháp luật Plus