Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam, đã có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh thương mại của nước ta.
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá cao 36,1%, đạt 159,1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020: Trung Quốc tăng 53%; Hàn Quốc tăng 21,1%; ASEAN tăng 47,7%; EU tăng 16,3%.
Giá trị nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng cao với cùng kỳ năm 2020, trong đó ô tô tăng 78,4%; kim loại thường tăng 61,2%; chất dẻo tăng 54,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%; sắt thép tăng 40,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 37,3%; sản phẩm hóa chất tăng 34,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 34,2%; vải tăng 32,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 22%.
Một trong những nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu của các mặt hàng tăng mạnh là do chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2021 tăng 3,28%). Trong đó giá nhập khẩu của một số mặt hàng quan trọng phục vụ gia công sản xuất tăng: kim loại thường khác tăng 12,8%; sắt thép tăng 7,65%; vải tăng 1,65%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,62%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 0,56%.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng trưởng cao hơn kim ngạch xuất khẩu (nhập khẩu tăng 36,1%; xuất khẩu tăng 28,4%) đã đưa cán cân thương mại 6 tháng đầu năm nhập siêu 1,47 tỷ USD (trong khi, cùng kỳ năm 2020 đạt xuất siêu 5,86 tỷ USD).
Tuy nhiên, xét theo cơ cấu hàng nhập khẩu thì tỷ trọng tư liệu sản xuất chiếm đến 93,9% tổng kim ngạch, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7%; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 71,97 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 45,2% (giảm 1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2% và chiếm 48,6% (tăng 1,4 điểm phần trăm).
Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28% và chiếm 6,1% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất có tốc độ tăng cao, đặc biệt nhóm hàng phục vụ cho sản xuất là nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng tới 40,2% (tỷ trọng tăng 1,4 điểm phần trăm) cho thấy dấu hiệu phục hồi sản xuất có tiến triển tốt và khả quan.
Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hạn chế nhập siêu thì việc nhập siêu lâu dài và nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng sẽ phần nào gây ra những tác động không tốt trong nền kinh tế. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều, đặc biệt là hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước.
Phạm Duy - Pháp luật Plus