Cha chung không ai khóc
Nhiều năm nay, dọc hai bên vỉa hè đường D1 (phường Tân Hưng, Quận 7) hiện hữu hàng chục hàng quán buôn bán về đêm. Các hàng quán này chủ yếu mở bán từ lúc xế chiều đến tận đêm khuya, thường rất đông khách.
Và cứ sau mỗi đêm buôn bán như vậy, đến sáng thì khu vực này lại ngập ngụa trong rác thải. Rác tràn lan từ trên vỉa hè xuống lòng đường, cho đến cả dưới lòng kênh, rạch.
Rác thải vứt bừa bãi dọc hai bên đường D1 (Quận 7) sau một đêm buôn bán
Bạn Kim Phúc (21 tuổi, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) làm thêm tại một quán ăn cho biết, hàng quán tại đây thường tập trung rất đông người, vì D1 là tuyến đường đẹp, lại giáp rạch Ông Lớn nên không khí mát mẻ, thoáng đãng. “Trước khi về thì bọn em dọn rác lại để tại một góc, còn sau đó các chủ quán xử lý ra sao thì em không nắm được”, Phúc chia sẻ thêm.
Thực tế, theo ghi nhận sau một ngày buôn bán, một số người bán tại đây thường chỉ quét dọn sơ sài, gom rác lại một đống, không che chắn rồi ra về, mặc cho gió cuốn rác đi tứ tung. Thậm chí có người còn thẳng tay ném ngay rác xuống con rạch Ông Lớn, tạo nên khung cảnh vô cùng nhếch nhác.
Hàng tá các bao rác, túi nilon, ly nhựa… bị vứt xuống lòng rạch Ông Lớn, khiến con rạch dần chết vì ô nhiễm
Đường D1 chỉ là một trong rất nhiều tuyến đường trở thành “nạn nhân” của nạn xả rác “vô tội vạ”. Gần đó, tại đường Nguyễn Thị Thập, ngay dưới chân cầu Him Lam (nối Quận 8 và Quận 7) là một bãi rác dân sinh tự phát. Không rõ xuất hiện từ bao giờ nhưng mỗi ngày, rác tại đây lại càng chồng chất, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Bãi tập kết rác tự phát, chất đống ngay dưới chân cầu Him Lam
Thực trạng xả rác bừa bãi xuất hiện tràn lan trên nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh, kể cả những trục đường lớn, nơi rất đông người dân qua lại hàng ngày. Ví như, tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - đường D4 - đường D15 (Quận 7) từ lâu đã hiện hữu một bãi rác rất lớn, thường xuyên bốc mùi khó chịu. Chỉ riêng bãi rác này đã biến cả đoạn đường trung tâm Quận 7 trở nên xấu xí, ô nhiễm, nhếch nhác và gây bức xúc cho người dân.
Bãi rác hiện diện ngay ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - đường D4 - đường D15 lâu nay không được xử lý
Bà Ngọc Cẩm (ngụ Quận 7) cho biết, hàng ngày khi đi làm qua khu vực này, bà vô cùng khó chịu vì rác thải đầy rẫy. Nhiều lúc rác bay quấn vào cả bánh xe làm bà “xém té”. Chất bẩn, túi nilon, ly nhựa, hộp nhựa… không chỉ khó phân huỷ mà nhiều khi còn cản trở việc di chuyển qua lại, gây tai nạn cho người lái xe.
“Tôi mong muốn các cơ quan chức năng địa phương sớm xử lý, dọn dẹp để trả lại vỉa hè sạch đẹp như trước kia”, bà Cẩm kiến nghị.
Trước tình trạng các bãi rác tự phát xuất hiện nhan nhản như “nấm mọc sau mưa”, nhiều người dân bức xúc đã tự căng băng rôn, làm biển hiệu để “yêu cầu” không xả rác khu vực gần nhà mình, thế nhưng vẫn không ăn thua.
Con lươn “bất đắc dĩ” thành nơi tập kết rác của người dân
Chị Tâm, chủ một quán cơm trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) bức xúc vì ngay đối diện nhà mình tự dưng trở thành một điểm tập kết rác, rất ảnh hưởng đến việc buôn bán của chị.
“Không biết từ bao giờ mà đối diện nhà chị trở thành nơi tập kết rác. Những ngày nắng, chỗ đó bốc mùi rất khó chịu, chị và nhiều người dân đã căng băng rôn yêu cầu không xả rác nhưng chẳng có hiệu quả”, chị Tâm bức xúc nói.
Dù đã có băng rôn yêu cầu không xả rác, nhưng những túi rác vẫn cứ xuất hiện không rõ từ đâu
Không chỉ gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, tại TP Hồ Chí Minh, việc người dân xả rác bừa bãi cũng được coi là một nguyên nhân lớn dẫn đến tắc nghẽn các cống thoát nước, gây ngập úng trầm trọng.
Cám cảnh tập kết rác vô tội vạ
Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn rác. Điều này khiến cho việc xây dựng các điểm tập kết rác tạm thời và lâu dài là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tại một số nơi, chính các điểm tập kết rác này là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, làm xấu xí bộ mặt TP.
Hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa được ví như những tuyến đường kiểu mẫu, “xanh, sạch, đẹp, thân thiện” dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chạy dài qua 5 quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình).
Tuy nhiên, dọc tuyến đường này lại có rất nhiều xe rác tập kết. Rác thải từ những xe rác này vương vãi, rỉ nước, bốc mùi rất khó chịu… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cũng như sức khỏe nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Một điểm tập kết rác tại đường Trường Sa (Quận 3) ngay trước cổng trường mẫu giáo gây bức xúc cho các bậc phụ huynh
Một điểm tập kết rác khác trên đường Hùng Vương (Quận 10) cũng được người dân “réo tên” nhiều lần vì quá mất vệ sinh, hôi thối, mất mỹ quan đô thị.
Đáng nói, điểm tập kết này nằm ngay gần công viên Âu Lạc, nơi có rất nhiều người sinh hoạt, vui chơi hàng ngày. Đã nhiều lần người dân tập thể dục tại đây phải bỏ về vì không chịu được mùi hôi thối từ khu tập kết rác bay đến.
Dù đã nhiều lần phản ánh, đến nay điểm tập kết rác này vẫn thản nhiên hoạt động, mặc cho người dân xung quanh “kêu trời” vì quá bẩn.
Rác thải rơi vãi từ các điểm tập kết, chảy nước và bốc mùi hôi thối khó chịu
Còn rất nhiều điểm tập kết rác bất hợp lý khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Những điểm này thường nằm ngay khu đông dân cư, khu buôn bán, khu chợ… làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường nhật của người dân. Ngoài ra, tại một số nơi, việc có quá nhiều xe rác tập kết cũng gây cản trở giao thông, ùn tắc vào những giờ cao điểm.
Rác thải rơi vãi từ các điểm tập kết, chảy nước và bốc mùi hôi thối khó chịu
Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; Đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; Thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển… sẽ bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường áp dụng xử phạt thông qua camera đối với những người xả rác, tiểu tiện bừa bãi và tái phạm nhiều lần.
Bảo Anh - TTTĐ