Đại biểu Quốc hội: Cần giới hạn tổng độ rộng băng tần doanh nghiệp được phép sử dụng

15/06/2022 19:43

Kinhte&Xahoi Nhiều đại biểu tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn, tổng độ rộng băng tần doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình các vấn đề đại biểu nêu

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cho rằng, một trong những mục tiêu cốt lõi được nêu tại Đại hội XIII của Đảng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Vì vậy, đại biểu băn khoăn, việc giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng liệu có làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không?

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình)

Theo đại biểu, để đảm bảo công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thay vì quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng, dự thảo Luật cần bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ về: Tiêu chí, điều kiện trường hợp doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua ba hình thức cấp phép; Nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông; các biện pháp quản lý nhà nước đảm bảo được thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và chế tài xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết.

Trong trường hợp vẫn giữ nguyên quy định theo hướng giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc và tiêu chí xác định hạn mức. Ví dụ như xác định trên cơ sở quy mô doanh nghiệp, năng lực đầu tư, vốn đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, mức độ công nghệ đang sở hữu, năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý nhà nước.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho rằng, nhu cầu tần số của mỗi nhà mạng khác nhau, phụ thuộc vào số lượng thị phần thuê bao. Việc quy định giới hạn có thể dẫn đến không đủ tài nguyên tần số, doanh nghiệp cần ít lại được cấp nhiều tần số, doanh nghiệp cần nhiều thì lại không có, gây lãng phí tài nguyên.

Mặt khác, khi công nghệ ngày càng phát triển, quỹ băng tần ngày càng mở rộng trên các băng tần cao, việc quy định giới hạn có thể gây khó khăn cho việc xác định được tỷ lệ băng tần được cấp cho mỗi nhà mạng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện xác định hạn mức sử dụng băng tần để doanh nghiệp căn cứ vào đó thực hiện.

Giải trình về vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm đảm bảo quy định không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật đã có quy định nguyên tắc xác định giới hạn bảo đảm tránh tích tụ tần số để không dẫn đến độc quyền viễn thông. Điều này không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối với ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về giới hạn băng tần là áp dụng cho một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, quy định tại dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với từng doanh nghiệp mà không áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp. Một nhóm doanh nghiệp không thể tích tụ tần số, tần số cấp riêng cho từng doanh nghiệp được sử dụng riêng. Nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong nhóm thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vẫn bị giới hạn về tích tụ tần số.

Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-gioi-han-tong-do-rong-bang-tan-doanh-nghiep-duoc-phep-su-dung-198849.html