Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN tại Hà Nội

12/09/2018 14:39

Kinhte&Xahoi Với cương vị là nước chủ nhà, Việt Nam khẳng định trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN thảo luận những vấn đề quan trọng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông tin trên VNExpress cho biết, sáng nay 12/9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới với chủ đề “Các ưu tiên của Đông Nam Á trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VOV)

Lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN, gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia - Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia - Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào - Thongloun Sisoulith, Cố vấn nhà nước Myanmar - Daw Aung San Suu Kyi, Phó thủ tướng Thái Lan - Prajin Juntong cùng Chủ tịch WEF - Klaus Schwab và Phó thủ tướng Trung Quốc - Hồ Xuân Hoa sẽ tham gia phiên khai mạc.

Lễ khai mạc còn diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia, WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Hội nghị diễn ra từ ngày 11-13/9/2018, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Liên quan đến sự kiện này, tin trên báo Dân trí cho biết, kể từ khi Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác năm 1989 đến nay, WEF là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với WEF, chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, sáng kiến nổi bật tại diễn đàn có uy tín hàng đầu thế giới này.

Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN).

Năm 2016, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị WEF về khu vực Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá khu vực Mekong với các tập đoàn lớn của thế giới.

Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất. WEF đánh giá việc thực hiện thành công thỏa thuận hợp tác với Việt Nam sẽ là mẫu hình để WEF xem xét khả năng mở rộng áp dụng với các nước khác trong khu vực.

Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 tại Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ngày càng sâu sắc. Chủ đề của Hội nghị được chính giới, doanh nghiệp, bạn bè và đối tác quốc tế, nhất là các nước ASEAN, tích cực hưởng ứng, đánh giá cao.

Lãnh đạo Việt Nam khẳng định trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM