Các đại biểu đại diện Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành tham dự buổi lễ.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, LĐLĐ Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng 337 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Thành tích tiêu biểu, nổi trội và xuất sắc của các nhà giáo
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2023, thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú đã nhận được 1.225 hồ sơ (24 hồ sơ đề nghị Nhà giáo Nhân dân và 1.201 hồ sơ đề nghị Nhà giáo ưu tú); trong đó, có 33 nhà giáo là người dân tộc thiểu số. Căn cứ quy định hiện hành, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: qua bề dày lịch sử lâu dài, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu ý nghĩa.
Tại buổi lễ, Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 21 nhà giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Ngoài hai danh hiệu cao quý nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định trao Bằng khen cho 251 Nhà giáo tiêu biểu 2024. Các nhà giáo được lựa chọn đều có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc trong nuôi dạy, giảng dạy, giáo dục, quản lý, tâm huyết, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, lĩnh vực hoặc cấp huyện/tỉnh.
Đồng thời, nhà giáo còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng hoặc hỗ trợ nuôi dạy, giảng dạy người học có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong học tập, xây dựng trường, lớp, vận động được người học có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đến trường và duy trì sĩ số học sinh, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa tại địa phương hoặc trong toàn ngành.
Đại diện hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu, nhà giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) cho hay: “Suốt 34 năm đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, đổi thay, bước đột phá của nền giáo dục nước nhà, tôi cùng với các đồng nghiệp vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo. Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa…”
Đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo
Chúc mừng 21 Nhà giáo Nhân dân, 65 Nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: qua bề dày lịch sử lâu dài, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 21 nhà giáo.
Hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục diễn ra sâu rộng, thống nhất trên phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp học, bậc học. Tinh thần đổi mới giáo dục hiện diện ở hầu hết các nơi trên cả nước. Chất lượng GD&ĐT các cấp học, bậc học không ngừng được đổi mới và nâng cao. Đặc biệt, hoạt động đổi mới diễn ra sâu sắc hơn cả đối với bậc giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Lực lượng nhà giáo luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với những tín hiệu vui về chế độ chính sách để phát triển đội ngũ về số lượng và chất lượng. Bộ GD&ĐT quyết tâm xây dựng Luật Nhà giáo để lực lượng nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc.
Những kết quả lớn và quý báu của ngành giáo dục có được là do sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh,…; trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo. Để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân, lan tỏa các giá trị tốt đẹp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong mỏi các thầy các cô tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, lan tỏa tới đồng nghiệp, học trò, xã hội, góp phần ngày càng tăng thêm những người ưu tú trong ngành giáo dục.
Thời gian tới, ngành giáo dục đối mặt với nhiều thách thức như: đổi mới, nâng chất lượng giáo dục mầm non; đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; phát triển con người trong bối cảnh giáo dục số, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn trên, toàn ngành phải quyết tâm và hội đủ nhiều điều kiện cần thiết; trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.
“Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo để góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà”, Bộ trưởng BộGD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII. Bộ GD&ĐT tin tưởng sâu sắc, mỗi cán bộ quản lý giáo dục các cấp, mỗi nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành sẽ cùng nhau thực hiện có hiệu quả các đợt thi đua nêu trên. |
kinhtedothi.vn