Theo ghi nhận của Pháp luật Plus vào sáng ngày 15/1/2020 nhiều khách hàng đã tập trung tại cổng công trình 8B Lê Trực đã ùn ùn kéo qua cổng bảo vệ, yêu cầu được vào công trình để đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư (Lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực). Những khách hàng đã căng băng rôn với dòng chữ “Yêu cầu chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội trả nhà cho dân về ở đón tết Canh Tý 2020”.
Buổi đối thoại của những người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực.
“Đề nghị chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội trả nhà cho dân”
Ông Phạm Quang Lung, chủ căn hộ 1604 bày tỏ bức xúc: Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm đảm bảo an toàn cho tòa nhà cũng như cư dân và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Thế nhưng, thời điểm hiện tại đã hơn 4 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa đươc nhận nhà. Đến nay đã chuẩn bị xuân Canh Tý 2020 (AL), chúng tôi đề nghị CĐT cho biết phương án giải quyết, xử lý để đảm bảo quyền lợi cho những người đã mua nhà tại đây?
Ông Phạm Quang Lung bày tỏ bức xúc.
Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực cho biết: Dự án 8B Lê Trực đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Quyết định định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô 20 tầng chiều cao chiều cao tối đa là 70 m và đã được Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc là 20 tầm và 69.1m. Văn bản thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Xây dựng cũng đã thẩm định với quy mô công trình là 20 tầng và chiều cao là 69.1m và dự án thuộc diện không phải cấp phép xây dựng.
CĐT đã thi công công trình đến cos 00 và đúng theo quy định của Nhà nước. Nhưng bỗng nhiên Sở Xây dựng Hà Nội và các cấp có thẩm quyền lại yêu cầu cấp phép xây dựng và cấp phép cho chúng tôi với quy mô không đúng với quy hoạch không đúng với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Cty CP May Lê Trực cho rằng có việc cấp phép sai
“Các hộ dân đã được nhận nhà từ quý 4 năm 2015, nhưng vì có câu chuyện cấp phép sai nên dự án này trì trệ như thế”, ông Hùng bức xúc cho biết.
Ông Trần Đức Minh – CT HĐQT Công ty CP May Lê Trực cho biết: “Giấy phép cấp 18 tầng mà chỉ có 53 m: Chiều cao của tầng thương mại, theo quy định và quy hoạch là 4,5m nhưng mà cấp phép chỉ có 2,6m, sau khi trừ đi 25 cm phần bê tông rồi trừ đi 0,6m dầm, thiết bị cơ điện phòng cháy chữa cháy rồi các cốt hoàn thiện như vậy là mất 0,85 m, 2,6m trừ đi 0,85m chỉ còn 1.75 m. Đối với tầng văn phòng, theo quy định và quy hoạch là 3,9m cấp phép có 3m thiếu 0,9 m, tầng căn hộ quy định 3,3m nhưng cấp thiếu 0,3m. Như vậy so với quy hoạch thì cấp thiếu là 2 tầng. Ở đây là cấp thiếu 16,1m chứ không phải thừa 16,1m”.
“Vấn đề này đã được Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định tại văn bản số 280 ngày 21 tháng 6 năm 2016. Việc công trình miễn phép mà vẫn cấp phép là cái sai thứ nhất, thứ hai là sai về tiêu chuẩn thiết kế, cái sai thứ ba là sai so với quy hoạch”, ông Minh cho biết thêm.
"Khách hàng mua nhà là người thiệt thòi nhất"
Dự án 8B Lê Trực (ảnh Tiền Phong).
Trước nỗi niềm xót xa của các hộ dân, có mặt tại buổi đối thoại, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ:
“Trước hết tôi rất xúc động vì đây là một cuộc họp đặc biệt. Đây là thời điểm cận tết rồi, lẽ ra ngày hôm nay nhiều người đã có thể sắm sửa cúng ông Công, ông Táo ở chính ngôi nhà của mình. Chúng ta tranh cãi nhau quá nhiều về các văn bản. Tòa nhà này là hàng hóa đặc biệt, những khách hàng ở đây họ mua hợp pháp, có hợp đồng nên họ là những người thiệt thòi nhất.
Ở đây có trách nhiệm của CĐT, CĐT bị ám ảnh về việc phạt cho tồn tại như những công trình khác. Việc cắt ngọn này, cắt theo chiều ngang như này thì không nước nào làm. Đây là nhà khung, có kết cấu hoàn chỉnh, chỉ cần động tới là có vấn đề. Ai phá cái này sẽ phải kí vào xem công trình còn tồn tại được bao nhiêu năm. Cái này sẽ cần phải trả lời, các nhà chuyên môn cần phải trả lời.
Chúng ta cần trân trọng ý kiến của người dân và có động thái. Doanh nghiệp làm sẽ cần lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó phải chính đáng, phải đảm bảo được quyền lợi của người mua sản phẩm của mình.
CĐT và người dân cần quyết liệt hơn nữa để đầu năm sau chúng ta sẽ có câu trả lời cụ thể. CĐT phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Tòa nhà 8B Lê Trực cần phải là điểm sáng về giải quyết. Trách nhiệm của chính quyền ở đâu phải trả lời, trách nhiệm của CĐT đến đâu cũng phải trả lời”.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Công ty cổ phần May Lê trực đã kiến nghị UBNDTP Hà Nội, UBNDQ Ba Đình, UBNDP Điện Biên như sau: Việc tiếp tục phá dỡ tầng 18, 17 hiện nay là hoàn toàn không đúng pháp luật bởi các căn cứ sau đây:
1. Quyết định 2673/QĐ-UBND ngày 12/10/2015 về việc xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 09/01/2016 về việc cưỡng chế vi phạm hành chính của UBNDQ Ba Đình ban hành đã hết hiệu lực hành chính, không còn giá trị thực hiện. Cả 2 Quyết định này không có nội dung phá tầng 18, 17. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đã hết thời hạn.
2. Công trình 8B Lê trực đều được phép xây dựng theo Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 được phép xây dựng công trình là 20 tầng, chiều cao công trình là 70m (17 tầng chính + 2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái). Các tầng 20, 19, 18, 17 yêu cầu phá dỡ đều có trong Quy hoạch xây dựng chi tiết nêu trên.
3. 2 tầng 18 và 17 đều có trong nội dung Giấy phép xây dựng số 11GPXD ngày 24/03/2014 của Sở xây dựng (cấp phép sai quy định của Nhà nước).
4. Tòa nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, đã nộp tiền tức xác lập quyền sở hữu công trình của công ty cổ phần May Lê Trực. 5. Tài sản căn hộ tầng 18,17 đã bàn giao cho các hộ dân thuộc quyền sở hữu của người dân (tài sản không còn của chủ đầu tư vì đã bán và bàn giao). |