Bảo đảm mùa lễ hội vui tươi, tiết kiệm

27/01/2024 12:24

Kinhte&Xahoi Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2024 diễn ra an toàn, văn minh, các địa phương của Hà Nội đã lên các kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều điểm mới, hấp dẫn hơn. Cùng với đó, thành phố cũng ban hành kế hoạch về quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống bảo đảm diễn ra vui tươi, tiết kiệm, đúng truyền thống.

Du khách trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Minh An

Nhiều nét mới, hấp dẫn

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố có hơn 1.200 lễ hội truyền thống với quy mô tổ chức khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào đầu năm mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đáng chú ý, nhiều lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội bắt đầu vào mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa); lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức); lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh)... Nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức với các nội dung hấp dẫn.

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa, công tác tổ chức Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng đã sẵn sàng. Điểm mới của lễ hội năm nay là Ban tổ chức sắp xếp bãi đỗ xe riêng không thu phí, đồng thời không cho phép các hàng quán bán hàng để bảo đảm an toàn, văn minh, vệ sinh môi trường.

Trong khi đó, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, đã hoàn tất công tác chuẩn bị lễ vật cho Lễ hội Gióng đền Sóc như: Giò hoa tre, cỏ voi, kiệu tướng... Năm nay, Ban tổ chức sẽ lùi thời gian hành lễ muộn hơn một tiếng so với mọi năm, đồng thời mở rộng không gian trải nghiệm với hoạt động biểu diễn nghệ thuật do nhân dân các thôn thực hiện.

Là một trong những lễ hội thu hút hàng vạn khách tham gia ngay những ngày đầu năm mới, công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã được xây dựng từ sớm. Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, lễ hội năm nay có chủ đề: “An toàn - Văn minh - Thân thiện”. Ban tổ chức đã thành lập 5 tiểu ban tổ chức lễ hội và tổ kiểm tra liên ngành túc trực thường xuyên trong những ngày diễn ra lễ hội.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn, huyện có 98 lễ hội truyền thống, trong đó lớn nhất là Lễ hội Cổ Loa và Lễ hội đền Sái. Huyện đã thành lập các tiểu ban chỉ đạo lễ hội, tổ chức lắp đặt hệ thống đèn trang trí trên tuyến đường vào Khu di tích Cổ Loa.

Thông tin về nét mới của Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mê Linh cho biết, lễ khai mạc sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm. Ban tổ chức sẽ trình chiếu một bộ phim 3D mapping ca ngợi, tưởng nhớ công lao của hai Bà.

Công khai đường dây nóng, xử lý nghiêm vi phạm

Bên cạnh công tác tổ chức đã sẵn sàng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị, các địa phương lên kịch bản ứng phó với những tình huống phát sinh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, mùa lễ hội 2023 diễn ra cơ bản thuận lợi nhưng vẫn có một số hiện tượng gây phản cảm, như chèo kéo khách ở chùa Hương, hay xuất hiện “sới gà” tại một lễ hội ở huyện Phú Xuyên.

“Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị, các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm, trục lợi trong lễ hội; khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hạn chế đốt vàng mã; không đặt tiền lẻ tại các ban thờ”, bà Trần Thị Vân Anh thông tin.

Để bảo đảm mùa lễ hội 2024 diễn ra an toàn, văn minh, Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) Trương Văn Nhung đề nghị, phòng văn hóa - thông tin các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền tới người dân và du khách các hoạt động lễ hội, hành vi ứng xử văn minh.

Từ cuối năm 2023, thành phố đã ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024. Trong đó, thành phố đã ban hành Văn bản chỉ đạo số 4367/UBND-KGVX ngày 25-12-2023 và Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 15-1-2024 về quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2024. Một trong những nội dung mới của việc triển khai công tác lễ hội năm 2024 tại Hà Nội, đó là ngành Văn hóa đã ban hành bộ Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đã công bố đường dây nóng (0965.404.557) tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về lễ hội.

Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cùng với các quận, huyện, thị xã ký kết thực hiện bộ Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. “Ngoài thực hiện bộ tiêu chí này, các địa phương phải bám sát chỉ đạo của UBND thành phố để bảo đảm công tác lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp”, bà Trần Thị Vân Anh lưu ý.

Hoàng Lân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công nghiệp Hà Nội: Kỳ vọng sớm phục hồi

Năm 2023 là năm đầy khó khăn của ngành Công nghiệp Hà Nội khi hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn giảm sút, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/bao-dam-mua-le-hoi-vui-tuoi-tiet-kiem-656970.html