Hà Nội: Người dân tại chung cư Văn Khê bị ép mua nước sinh hoạt qua trung gian?

18/09/2018 08:59

Kinhte&Xahoi Ban Quản trị (BQT) tòa nhà CT1 Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội phản ánh nhiều năm nay cư dân không được ký hợp đồng trực tiếp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (Cty NS Hà Đông) để mua nước sử dụng mà phải mua qua một đơn vị trung gian với giá cao hơn.

Sử dụng quỹ bảo trì của dân trái phép?

Ông Phan Văn Hùng, Trưởng BQT tòa nhà CT1 Văn Khê đại diện cho các hộ dân phản ánh: Trong quá trình tiếp nhận, bàn giao từ BQT khóa cũ, BQT nhiệm kỳ mới phát hiện trước đây, vào ngày 13/11/2013, Cty NS Hà Đông và Công ty Cổ phần sông Đà 1.01 (Cty Sông Đà 1.01) ký Hợp đồng dịch vụ cấp nước số 6480.

Ảnh minh họa

Theo Hợp đồng trên, Cty NS Hà Đông sẽ bán nước sạch cho Cty Sông Đà 1.01 thông qua đồng hồ tổng đặt tại tòa nhà CT1 Văn Khê. Sau đó nước được “bán lại” cho các hộ dân cư tại tòa nhà với giá lũy tiến theo đồng hồ đặt tại từng hộ dân.

Tại khoản 2 Điều 5 của Hợp đồng quy định về nghĩa vụ của bên được cấp nước. Theo đó, Cty Sông Đà 1.01 có nghĩa vụ phải đầu tư, vận hành trạm bơm chuyển tiếp từ bể chính cung cấp cho các gia đình sử dụng…

Đối với mọi sự cố hỏng hóc của hệ thống mạng cấp và cụm đồng hồ do tác động bên ngoài, bên Cty này phải chịu mọi kinh phí sửa chữa.

Thế nhưng, theo đại diện cư dân CT1 Văn Khê, nhìn vào bảng công khai tài chính của BQT khóa cũ gửi tới các hộ dân (khi kết thúc nhiệm kỳ để tiến hành tổ chức hội nghị cư dân tòa nhà bầu BQT khóa mới) người dân phát hiện tiền bảo trì của tòa nhà đã bị lấy ra để chi cho các việc sửa chữa, vận hành trạm bơm nước không đúng quy định:

“Cty Sông Đà 1.01 đã mua nước của Cty NS Hà Đông với giá bán buôn để rồi bán lẻ cho các hộ dân để thu lời. Điều này cho thấy Cty Sông Đà 1.01 đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và giám sát qua loa của BQT nhiệm kỳ trước chiếm đoạt kinh phí bảo trì được hình thành từ sự đóng góp của các hộ dân để sử dụng trái phép cho mục đích kinh doanh của họ”, ông Hùng bức xúc.

Theo đại diện các hộ dân, sau khi phát hiện những việc làm có dấu hiệu sai trái, cư dân tòa nhà đã làm đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng của quận Hà Đông nhằm làm rõ tổng số tiền bảo trì được sử dụng trái phép từ năm 2013 đến nay cho việc sửa chữa vận hành trạm bơm, cũng như làm rõ nguồn thu tiền nước của Cty Sông Đà 1.01 đối với người dân có đúng với quy định của thành phố hay không.

Người dân muốn ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cấp nước

Về phản ánh của người dân trong việc bị ép mua nước sinh hoạt với giá đắt để sử dụng, đại diện Cty NS Hà Đông xác nhận đơn vị này cũng vừa nhận được đơn phản ánh và lãnh đạo công ty đang giao cho các đơn vị cấp dưới xem xét, kiểm tra để trả lời cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Hoan, Trưởng phòng Tổng hợp Cty NS Hà Đông cho biết: Tại địa bàn quận Hà Đông, Cty chủ yếu ký hợp đồng cấp nước trực tiếp với các hộ dân có nhà mặt đất, còn với các hộ dân đang sống tại các tòa chung cư hầu như công ty không thể ký hợp đồng cung cấp nước trực tiếp mà phải ký với đơn vị quản lý đồng hồ tổng về nước của tòa nhà đó.

Những tòa nhà mà Cty NS Hà Đông ký hợp đồng cấp nước trực tiếp với người dân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Hoan cũng xác nhận tại tòa CT1 Văn Khê, Cty ký hợp đồng cấp nước với Cty Sông Đà 1.01 chứ không phải ký trực tiếp với các hộ dân.

Đại diện đơn vị cấp nước thông tin thêm, những trường hợp ký được với Cty NS Hà Đông, ngay từ đầu khi xây dựng về hệ thống cấp nước đã được phía Cty NS Hà Đông thực hiện việc giám sát đầu tư, lắp đặt.

Ông Hoan nhấn mạnh, nếu hạng mục cấp nước mà không phải do Cty NS Hà Đông thi công, lắp đặt, không được doanh nghiệp này giám sát việc thi công từ đầu thì không đủ điều kiện để xem xét ký hợp đồng cấp nước trực tiếp với dân.

Theo ông Hoan, không chỉ tòa CT1 Văn Khê mà những người dân sinh sống tại các tòa chung cư khác đều rất muốn ký trực tiếp với đơn vị cấp nước để họ kiểm soát và chi trả theo nhu cầu sử dụng nước của mình.

“Nhưng một công trình mà chúng tôi không biết đường ống nước được xây dựng như thế nào, chạy đi những đâu…thì làm sao mà kiểm soát, làm sao mà chúng tôi đủ tự tin để chịu trách nhiệm đến từng hộ dân được”, ông Hoan giải thích.

Ông Hoan cũng cho hay, Cty Sông Đà 1.01 không phải là công ty kinh doanh về nước mà là đơn vị được chủ đầu tư chọn vận hành tòa nhà CT1 Văn Khê khi chưa có BQT do cư dân bầu ra.

Đại diện đơn vị cấp nước mong muốn, BQT tòa nhà nhiệm kỳ mới và phía Cty Sông Đà 1.01 cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung nhằm giải quyết thỏa đáng các khúc mắc đang tồn tại, không để ảnh hướng đến việc cấp nước cho toàn bộ các hộ dân đang sinh sống tại tòa nhà.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Phát: Tổng tài sản hơn 1,600 tỷ, nhưng nợ chiếm 82,3%

Tổng tài sản ghi nhận đạt tới 1.686 tỷ đồng, báo lãi tăng trưởng đột biến, nhưng 82,3% trong số đó là… nợ. Đó là nét chính trong BCTC tài chính Quý II/2018 của Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Việt Phát, mã: VPG).