G7 thúc đẩy “tạm dừng nhân đạo” ở Gaza
Kinhte&Xahoi
Bộ trưởng Ngoại giao của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi “tạm dừng nhân đạo” trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas để cho phép các nhu yếu phẩm thiết yếu được chuyển đến những người dân đang tuyệt vọng ở Gaza.
Một chiếc xe cứu thương bị phá hủy ở Bệnh viện al-Shifa (Gaza).
Phát biểu với phóng viên sau cuộc họp ở Tokyo (Nhật Bản), Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết, G7 đã xác nhận sự cần thiết phải có “hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” ở Gaza.
Các ngoại trưởng tái khẳng định sự lên án về cuộc tấn công ngày 7-10 của phong trào Hồi giáo Hamas đối với Israel và sự ủng hộ của G7 đối với quyền tự vệ của Israel nhưng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng với người đồng cấp các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản và Italia cho biết họ ủng hộ việc tạm dừng giao tranh “để tạo điều kiện cho những hỗ trợ cần thiết khẩn cấp, di chuyển dân sự và giải phóng con tin” do lực lượng Hamas nắm giữ. Ngoại trưởng Mỹ đã đặt ra các yêu cầu ngoại giao cần thiết để bắt đầu con đường hướng tới “hòa bình và an ninh lâu dài” tại Dải Gaza.
“Mỹ tin rằng các yếu tố chính sẽ bao gồm việc không cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza, không sử dụng Gaza làm nền tảng cho khủng bố hoặc các cuộc tấn công bạo lực khác”, ông Blinken nói với báo giới.
Trước đó, theo tờ Thời báo Israel, quân đội nước này tuyên bố đang bao vây và “thắt thòng lọng” xung quanh lực lượng Hamas ở Dải Gaza, trong khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết không có thỏa thuận ngừng bắn trước khi con tin được giải thoát.
Ngày 8-11, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, số lượng dân thường Palestine chạy khỏi khu vực chiến sự ở phía Bắc Gaza đã tăng lên khi chiến dịch trên không và trên bộ của Israel đang tăng cường và nêu rõ 15.000 người đã chạy khỏi miền Bắc chỉ riêng trong ngày 7-11.
Cùng ngày, theo số liệu từ Liên hợp quốc công bố, 1 tháng sau cuộc tấn công của Hamas, 14 trong số 35 bệnh viện có dịch vụ điều trị nội trú không còn hoạt động ở Dải Gaza và 71% cơ sở chăm sóc sức khỏe đã đóng cửa.
Ngay cả ở những trung tâm y tế vẫn còn hoạt động, tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Quản lý chương trình khẩn cấp của bác sĩ không biên giới (MSF) Michel-Olivier Lacharité cho biết: “Trong vài tuần qua, tất cả các bệnh viện ở phía Bắc đều không nhận được bất kỳ nguồn cung cấp nào”. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đã tăng vọt khi ước tính có khoảng 25.000 người ở Gaza bị thương kể từ ngày 7-10.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác minh 218 cuộc tấn công vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở khu vực này kể từ ngày 7-10, nhận định những cuộc tấn công như vậy là “vi phạm luật nhân đạo quốc tế”.
Dương Thùy - Hà Nội mới