Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 với chủ đề "Một Trái đất, một gia đình, một tương lai"
Kinhte&Xahoi
Trưa ngày 9-9 (giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam, thủ đô New Delhi (Ấn Độ).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ sự cảm thông đối với những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Morocco, đồng thời khẳng định, nước này sẵn sàng sát cánh với Morocco nhằm khắc phục những thiệt hại do động đất gây ra. Ông cũng đề nghị Liên minh châu Phi (AU) chính thức gia nhập G20 sau khi nhận được sự đồng ý của các nước thành viên.
Thủ tướng N.Modi nhấn mạnh, thế kỷ XXI là thời điểm quan trọng để cho thế giới thấy một hướng đi mới. Những thách thức mới yêu cầu các quốc gia G20 tìm kiếm giải pháp mới. Đó là lý do tại sao G20 vừa tiến lên phía trước vừa hoàn thành trách nhiệm thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.
Với chủ đề "Một Trái đất, một gia đình, một tương lai", Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay đặt trọng tâm vào nỗ lực hàn gắn thế giới, để các quốc gia có thể cùng nhìn về một hướng, ứng phó với các vấn đề toàn cầu nổi lên trong thời gian gần đây.
Nội dung các phiên thảo luận trong hội nghị kéo dài 2 ngày tập trung vào nhiều vấn đề nổi cộm của nền kinh tế thế giới như tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, lạm phát gia tăng, nợ nần và việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.
Trong ngày 9-9, hội nghị chia làm 2 phiên họp chính với chủ đề lần lượt là “Một Trái đất”, “Một gia đình”.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ có cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Nhật Bản, Italia.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ N.Modi cùng một số nước đồng minh sẽ công bố kế hoạch triển khai một hành lang vận chuyển kết nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu. Đây có thế là bước đi mang đến “những thay đổi lớn trong cuộc chơi” đối với thương mại toàn cầu.
Ông Jon Finer, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết, các quốc gia ký kết bản ghi nhớ hợp tác về hành lang vận tải đường biển và đường sắt gồm Mỹ, Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia khác trong G20. Tổng thống Mỹ J.Biden và Thủ tướng Ấn Độ N.Modi coi dự án này như một phần của quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới