Lạm phát ổn định, ECB dự kiến giảm lãi suất trong tháng 6
Kinhte&Xahoi
Lạm phát khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 4 ổn định như dự kiến nhưng một chỉ số quan trọng về áp lực giá cả cơ bản đã chậm lại, củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
ECB có thể cắt giảm lãi suất vào ngày 6-6 nếu không có diễn biến bất ngờ về tiền lương hoặc giá cả. Dữ liệu được công bố ngày 30-4 cũng nhất quán với dự báo của ngân hàng này hồi tháng 3.
Trong tháng 4, Eurozone ghi nhận lạm phát 2,4%, bằng với tháng trước đó và phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích về mức độ ổn định. Trong khi đó, lạm phát cơ bản (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động), đã giảm xuống 2,7% từ mức 2,9%, theo dữ liệu từ Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat).
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong tháng 6 năm nay. Ảnh: Reuters
Lạm phát dịch vụ cũng giảm còn 3,7% so với mức 4% kể từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, tốc độ tăng lương nhanh chóng - yếu tố chính trong các loại chi phí dịch vụ, vẫn đáng lưu tâm.
Theo Reuters, ECB đã tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục ở các năm 2022 và 2023 để ứng phó với tình trạng giá cả tăng vọt nhưng vẫn giữ lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 4% kể từ tháng 9-2023.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát cao bất ngờ ở Mỹ có thể là mối lo ngại lớn hơn vì khả năng dẫn đến kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Trong khi ECB khẳng định tính độc lập, những động thái của Fed vẫn sẽ định hướng các điều kiện tài chính toàn cầu và chênh lệch lãi suất ngày càng mở rộng sẽ làm suy yếu đồng euro, khiến lạm phát nhập khẩu gia tăng. Viễn cảnh này cũng sẽ thúc đẩy lợi suất dài hạn ở khu vực đồng euro, qua đó phủ nhận một số nỗ lực của ECB nhằm giảm chi phí đi vay.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, những vấn đề chỉ phát sinh nếu FED trì hoãn cắt giảm lãi suất trong thời gian dài hơn hoặc nếu lạm phát cao ở xứ Cờ hoa tác động đến khu vực đồng euro.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới