Không hẹn mà hai nữ họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động ở hai thế hệ, một già một trẻ lại cùng gặp nhau ở niềm yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với họ, tình cảm đó luôn là cảm hứng sáng tạo vĩnh cửu để giúp họ vẽ nên những bức tranh vượt ra ngoài khuôn khổ của thể loại tranh cổ động tuyên truyền, đi vào lòng người từ góc nhìn mới mẻ, thể hiện xuất sắc nội dung và chất lượng nghệ thuật.

Bức tranh cổ động của nữ họa sĩ Minh Phương 

Nữ họa sĩ trẻ tìm tòi góc nhìn mới về Bác

Năm 2020 kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người do Bộ VH-TT&DL phát động sau một thời gian ngắn đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả, họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động trong cả nước.

Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 375 tranh của 212 tác giả ở 45 tỉnh, thành phố gửi tham dự. Các tác phẩm hầu hết đã bám sát chủ đề, nêu bật thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Giải Nhất cuộc thi được trao cho tác phẩm “Người đi tìm hình của nước” của họa sĩ trẻ tuổi Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1985, công tác tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Tác phẩm được đánh giá có góc nhìn mới mẻ, thể hiện xuất sắc nội dung và chất lượng nghệ thuật.

Trò chuyện với truyền thông, Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết cô tham gia cuộc vận động sáng tác với 5 tác phẩm, là những sáng tác tranh cổ động tâm huyết mà tác giả mong muốn sẽ thể hiện được những tình cảm kính yêu và biết ơn của thế hệ trẻ đối với Bác Hồ.

“Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chịu ảnh hưởng từ ông nội và cha, từ nhỏ, hình tượng Bác Hồ đã luôn gần gũi và trở thành nguồn động lực để bản thân tôi cố gắng phấn đấu để đạt được những kết quả tốt nhất. Trong hoạt động sáng tác tranh cổ động, cũng chính tình cảm kính yêu với Bác Hồ, sự ngưỡng mộ nhân cách vĩ đại và lòng biết ơn những hi sinh lớn lao, vĩ đại của Người cho nền độc lập, tự do của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất diệt đối với cá nhân tôi cũng như nhiều nghệ sĩ sáng tác tranh cổ động khác” - Mỹ Dung chia sẻ.

Nữ tác giả cũng bộc bạch, sáng tác tranh cổ động về Bác Hồ đối với một họa sĩ trẻ mang đến cảm xúc vừa gần gũi, thân quen, vừa có nhiều thách thức. Cuộc đời vĩ đại của Bác, nhân cách cao cả của Người, tấm lòng nhân hậu và trái tim bao la, làm thế nào để lựa chọn và thể hiện thành công một hình tượng mang tính khái quát nhất. 

Mỹ Dung cho biết, cô đã trăn trở, tìm hiểu khá nhiều và sau đó quyết định lựa chọn tứ “Người đi tìm hình của nước”, một dấu mốc lịch sử trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, gắn với con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam. Một số tác phẩm tranh cổ động trước đây cũng đã từng sáng tác về nội dung này, với hình ảnh Bến Nhà Rồng hay quá trình Bác bôn ba tìm đường cứu nước. 

Vì vậy, cô đã cố gắng nghiên cứu, sử dụng ngôn ngữ đồ họa để thể hiện một cách mới mẻ, cô đọng, khái quát hóa hình tượng của Bác ở dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng này. Trong bức tranh có hình ảnh bản đồ Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua đó tôi cũng mong muốn thể hiện thông điệp về trách nhiệm đối với đất nước của thế hệ trẻ hôm nay, như lời Bác Hồ đã từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Cũng tại cuộc thi này, tác giả trẻ Nguyễn Thị Mỹ Dung còn được trao giải Nhì với tác phẩm “19/5/1890 – 19/5/2020”. Có thể nói, mong muốn đưa những góc nhìn mới của những người trẻ vào các sáng tác tranh cổ động có ý nghĩa tuyên truyền trong những dịp kỷ niệm lớn, quan trọng của đất nước, Mỹ Dung đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm, nghiên cứu các tài liệu, hình ảnh cũng như những sáng tác của các thế hệ họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động đi trước. Xây dựng bố cục mới mẻ, hình tượng cô đọng, súc tích, những bức tranh cổ động của nữ họa sĩ trẻ đã tạo nên ấn tượng trực quan, sinh động, với ngôn ngữ đồ họa khúc triết đã làm nổi bật chủ đề mà nữ họa sĩ trẻ mong muốn chuyển tải đến người xem.

Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung 

Góp phần vào việc cổ vũ, động viên mọi người làm theo lời Bác Hồ dạy

Tháng 5/2019, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác Hồ, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều câu chuyện, kỷ niệm về Bác đã được kể trong trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động”.

Cũng tại dịp trưng bày này, nữ họa sĩ Minh Phương sinh năm 1943 đã kể lại những ký ức của mình về bức tranh cổ động sáng tác tròn 40 năm trước – năm 1979. 

“Tôi nhớ nhân dịp 10 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, lúc đó chủ đề triển lãm tranh cổ động toàn quốc được phát động là “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 - 1980) được xác định phải tập trung lực lượng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Đối với người nông dân, từ xa xưa, theo kinh nghiệm dân gian đã được đúc rút là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Còn trong 8 câu Bác Hồ khuyên nông dân có câu: “Nước phải đủ, phân phải nhiều”.Và để vận động làm thủy lợi, Bác Hồ còn nói:“Nắng mưa không đợi trời cho/Người làm ra nước sức to hơn trời”.

Thấm nhuần tinh thần đó, qua những lần đi công tác, tôi đã được chứng kiến các hoạt động làm thủy lợi của người dân. Đặc biệt, trước những động tác lao động nhiệt tình, khẩn trương, vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên hòa quyện với trời đất thì tôi đã kịp ghi chép lại. Sau quá trình đi thực tế đó, tình cảm và tiềm thức đã thôi thúc tôi sáng tác tranh cổ động để góp phần vào việc cổ vũ, động viên mọi người làm theo lời Bác Hồ dạy. Bức tranh với hình ảnh Bác Hồ gần gũi, hiền từ với ánh mắt ấm áp. Phía trước là cảnh lao động của người nông dân với tinh thần hối hả, hăng say” - chia sẻ về kỷ niệm sáng tác bức tranh năm 1979, tác giả Minh Phương cho biết. 

Từ câu chuyện này, “Nắng mưa không đợi trời cho/ Người làm ra nước sức to hơn trời" - lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nữ họa sĩ Minh Phương sử dụng để đặt tên cho bức tranh vẽ về Bác và chủ đề nông nghiệp.

Năm 1979, bức tranh của nữ họa sĩ Minh Phương được trưng bày tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong toàn quốc và ở cả nước ngoài. Đặc biệt tranh đã được trưng bày tại Khu di tích Phủ Chủ tịch cùng với 58 bức tranh của nhiều họa sĩ khác do Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL), Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức. Sau triển lãm, nữ họa sĩ Minh Phương đã quyết định tặng lại bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, lúc đó ông Vũ Kỳ là người trực tiếp tiếp nhận.

Từ năm 1980 đến 1990, tranh cổ động “Nắng mưa không đợi trời cho. Người làm ra nước sức to hơn trời” của nữ họa sĩ Minh Phương tiếp tục được trưng bày để phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong số những nữ nghệ sĩ hội họa – điêu khắc sáng tác về Bác còn có nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim - nữ điêu khắc gia đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được đào tạo chính quy về điêu khắc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; là một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và cũng là nhà điêu khắc đầu tiên vinh dự được gặp và tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5/1946, bà cùng họa sĩ Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung được Hội Văn hóa cứu quốc cử vào vẽ và đắp tượng Bác Hồ, chuẩn bị cho triển lãm mỹ thuật mùa thu đầu tiên của cách mạng. Hơn 20 ngày, mỗi ngày được gần Bác hai giờ, nặn tượng Bác, với bà đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Điều đặc biệt là thần thái vĩ đại, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in sâu vào tâm khảm của Nguyễn Thị Kim, để rồi đề tài Bác Hồ là đề tài lớn và cũng làm nên sự nghiệp của nữ điêu khắc gia trong nền điêu khắc Việt Nam. Đề tài Bác Hồ chiếm phần lớn sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Kim với các tác phẩm: “Bác Hồ ngồi làm việc”; “Tượng Bác Hồ” (1946-đồng), “Bác viết Tuyên ngôn Độc lập” (1945-thạch cao)... Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2001.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bac-trong-trai-tim-nhung-nu-hoa-si-d124690.html