Bình Dương: Bố trí vốn đầu tư công cho 40 dự án, công trình trọng điểm

23/09/2021 15:10

Kinhte&Xahoi Trong giai đoạn tới, tỉnh Bình Dương dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với hơn 49 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách Trung ương hơn 2.500 tỷ đồng.

Hình minh họa

Chiều 21/9, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Được biết, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 Trung ương giao cho tỉnh Bình Dương là hơn 33 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch do HĐND tỉnh thông qua đầu kỳ bao gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã huy động các nguồn lực để bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nhằm đảm bảo bố trí đủ vốn cho các dự án khởi công và hoàn thành trong kỳ. Đến cuối kỳ trung hạn, vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 45.900 tỷ đồng, phân bổ cho 823 dự án.

Tổng giá trị giải ngân đến 31/01/2021 đạt hơn 38.490 tỷ đồng, vượt 17 % so với kế hoạch Trung ương giao, đạt 84% kế hoạch điều chỉnh và 114 % kế hoạch đầu kỳ HĐND tỉnh giao.

Trong giai đoạn tới, Bình Dương dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2021-2025 với hơn 49.560 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách Trung ương hơn 2.600 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ khâu chuẩn bị đầu tư để giảm tối đa việc điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án. Đồng thời xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện gắn với kế hoạch giải ngân từng dự án; tập trung thực hiện nghiệm thu thanh toán không để dồn khối lượng đối với công trình chuyển tiếp, các công trình có khả năng hoàn thành.

Cùng với đó, tăng cường công tác thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và kết thúc dự án bằng các hình thức trực tuyến; đẩy mạnh công tác lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Từng cấp, từng ngành trong quá trình thẩm định góp ý, trình phê duyệt chủ trương, dự án phải đảm bảo hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật. Các cơ quan liên quan tích cực chủ động phối hợp triển khai và kịp thời nắm bắt giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 Duy Trường - Di Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-duong-bo-tri-von-dau-tu-cong-cho-40-du-an-cong-trinh-trong-diem-d166991.html