Giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài: Vẫn điệp khúc chậm!

15/06/2021 10:40

Kinhte&Xahoi Đến giữa tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành mới đạt 7,53% so với dự toán được giao.

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chậm đã ảnh hưởng tới việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 14/6.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách T.Ư theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 là 16.636,75 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/5/2021, tỷ lệ nhập dự toán chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các bộ, ngành đạt 72,55% (12.069,87 tỷ đồng).

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Hà Lâm

Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành tính đến hết ngày 10/6 là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Trong đó, 5/13 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở hai bộ là Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT. Đáng lưu ý có đến 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.

“Tính đến hết 10/6/2021, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày”- Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long nói.

Về phía giải ngân địa phương, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng. Đến 31/5/2021, kế hoạch vốn năm 2021 nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tích hợp (TABMIS) là 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm.

Theo các bộ, ngành và địa phương, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án. Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, nguyên nhân chính Bộ Quốc phòng chưa giải ngân được là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh toán với các đối tác nước ngoài chưa thể thực hiện được. Còn theo đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, các dự án của các trường đã được bố trí vốn nhưng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên chưa thể giải ngân.

Một số nguyên nhân của việc chậm trễ này còn do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, sẽ phải hủy dự toán; dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở. Ngoài ra, các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn nước ngoài khi có những điều chỉnh thì thủ tục đều phức tạp hơn các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước khá nhiều. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giải ngân của các dự án.

Kiểm điểm lãnh đạo chậm giải quyết vướng mắc

Chia sẻ về kết quả có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài cao nhất, đại diện bộ GTVT cho hay, để triển khai các dự án có nguồn vốn vay nước ngoài, yêu cầu ban quản lý dự án lập kế hoạch giải ngân theo tháng và họp giao ban hàng tháng để xem xét các nguyên nhân làm chậm giải ngân. Bộ cũng đánh giá, kiểm điểm cán bộ lãnh đạo, cá nhân liên quan và đi kiểm tra định kỳ để giải quyết các vướng mắc cho các ban quản lý dự án…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, qua ý kiến phản ánh của đại diện các bộ, các ngành cho thấy có nhiều nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn tới kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của bộ, ngành còn rất thấp.

Nguyên nhân khách quan, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án; Vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ các nước có dịch Covid-19 cũng bị ách tắc làm dự án chậm tiến độ… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố chủ quan, trực tiếp là các là đơn vị chủ dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều hạn chế.

Do vậy, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy giải ngân vẫn là tăng cường vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án. “Phải tích cực, quyết liệt triển khai các dự án của mình, trong đó có việc hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai về giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định… Các Ban quản lý dự án phải quyết liệt, kiểm tra, giám sát, có khó khăn, vướng mắc liên hệ với các bộ, ngành giải quyết kịp thời” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn năm 2021, Bộ Tài chính cam kết hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng một ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

 Hà Lâm - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-nguon-von-vay-nuoc-ngoai-van-diep-khuc-cham-423618.html