Bộ Giáo dục – Đào tạo: Không giao thêm bài về nhà cho học sinh lớp 1

06/10/2020 16:43

Kinhte&Xahoi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở chỉ đạo các nhà trường giúp học sinh lớp 1 hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Giờ tập viết của học sinh Tiểu học Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học.

Tại văn bản này, Bộ GD-ĐT cho biết qua kiểm tra, khảo sát đầu năm học mới, Bộ GD-ĐT nhận thấy các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường.

Các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nề nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.

Để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Thời khóa biểu cần bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành với nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.

Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD-ĐT.

 Thảo Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus