Giảm từ 50 - 70% so với mức thuế hiện hành
Ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Tờ trình số 50/TTr-BTC trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết 31/12/2022.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, từ cuối năm 2021 và trong những tháng đầu năm 2022, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng cao.
Cụ thể, mức giá dầu thô bình quân từ ngày 1/1/2022 đến hết 10/3/2022 đối với WTI là 95,46 USD/thùng, tăng 34%, mức cao nhất đạt 123,7 USD/thùng vào ngày 8/3/2022 (lấy theo giá đóng cửa), thời điểm chạm mốc cao nhất là 130,5 USD/thùng vào ngày 7/3/2021.
Đối với dầu Brent là 99,46 USD/thùng, tăng 33%, mức cao nhất đạt 127,98 USD/thùng vào ngày 8/3/2022 (lấy theo giá đóng cửa), thời điểm chạm mốc cao nhất là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3/2021.
Còn giá dầu thô đóng cửa ngày 10/3/2022 đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn ở mức cao là 102,99 USD/thùng đối với đối với WTI và 109,02 USD/thùng đối với Brent.
Nguyên nhân của sự biến động tăng giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong thời gian qua là do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh khi các nước thực hiện mở cửa trở lại để phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19.
Nhiều quốc gia đã thực hiện nới lỏng kiểm soát, khôi phục các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch, hàng không... Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu đang thiếu hụt trên toàn cầu.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn từ 50 - 70% so với mức thuế hiện hành
Ngoài ra, tình hình bất ổn chính trị thế giới do căng thẳng giữa Nga và Phương Tây, đặc biệt là tình hình xung đột vũ trang giữa Nga tại Ukraina dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thô trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Dự báo về diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới năm 2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhiều tổ chức quốc tế đều cho rằng nhu cầu xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung dầu, và các yếu tố khách quan khác đều tạo động lực khiến giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh.
Cùng với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam trong năm 2021 cũng đã có 24 đợt điều chỉnh. Trong đó, giá bán lẻ xăng đã có 16 lần tăng, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Kết thúc năm 2021, giá bán lẻ xăng đã tăng hơn 41% so với cuối năm 2020. Bước sang năm 2022, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, tính từ đầu năm đến nay (ngày 11/3/2022), giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 6 lần và đều tăng liên tục. Trong đó, lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/3/2022), giá xăng đã tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.
Như vậy, giá xăng RON95 và xăng E5RON92 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm giá xăng dầu đạt đỉnh lịch sử là vào ngày 7/7/2014, xăng E5RON92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON95 có giá 26.140 đồng/lít).
Do đó, để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, ngày 3/3, Bộ Tài chính gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Ngày 9/3, 11 Bộ, ngành đã có ý kiến trả lời về đề xuất này.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh lại dự án Nghị quyết để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo mức giảm từ 50 - 70% so với hiện hành đối với 6 loại xăng dầu.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít (giảm tới 70%).
Theo đó, nếu phương án đề xuất này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) sẽ ở mức 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ ở mức 1.000 đồng/lít/kg; Dầu hỏa sẽ ở mức 300 đồng/lít. Riêng nhiên liệu bay được giữ nguyên từ lần giảm kỳ trước là 1.500 đồng/lít.
Thời hạn đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến tính từ ngày 1/4 - 31/12/2022.
Ngân sách Nhà nước giảm thu hàng chục nghìn tỷ đồng
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và mức thuế như đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.
Việc giảm thuế môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ giảm ngân sách giảm thu hàng chục nghìn tỷ đồng
Từ đó, tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng (số giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng).
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường được chuyển vào giá sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này.
Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường trên sẽ làm giá bán lẻ xăng giảm tương ứng 2.200 đồng/lít, còn giá bán lẻ dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm tương ứng là 1.100 đồng/lít, giá bán lẻ dầu hỏa giảm tương ứng là 770 đồng/lít (tất cả đều bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
Với giả thiết thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường là từ ngày 1/4/2022 - 31/12/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,76 - 0,85%.
Tuy nhiên, do việc giảm thuế là số tuyệt đối, CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.
Tác động của việc giảm thuế đối với giá xăng dầu đến CPI giảm dần khi giá xăng dầu tiếp tục tăng lên so với hiện hành. Cụ thể, nếu giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10%; Giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20%; Giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30%.
Việc đề xuất giảm thuế này sẽ góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi giá dầu thô tăng cao. Đồng thời, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân vì xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt nhóm ngành huyết mạch của nền kinh tế như giao thông vận tải, điện...
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; Đồng thời góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng dầu, mỡ nhờn cho người dân.
Hậu Lộc - TTTĐ