Cử tri đề nghị Chính phủ hạn chế tình trạng "ăn theo" giá xăng dầu để trục lợi
Kinhte&Xahoi
Cử tri và Nhân dân kiến nghị các Bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu; Hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Sáng 14/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 9 xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân kiến nghị nhiều vụ việc đáng chú ý trong thời gian qua như: Về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn; Về vụ việc tai nạn thương tâm chìm ca nô chở khách du lịch khiến nhiều người tử vong tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam; Tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân phản ánh về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh COVID19; Việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc… trên các trang mạng xã hội; Về việc mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá nhà nước quy định.
Ngoài ra, tại một số nơi, việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải; Tình trạng thiếu lao động, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh do bị cách ly; Tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp...
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi; Quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành hữu quan có biện pháp quản lý, triệt phá, xử lý nghiêm loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông lợi dụng sự hoang mang, thiếu hiểu biết của người dân trong thời điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19 và tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để phạm tội.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, nâng giá kit xét nghiệm nhanh COVID-19, nhập lậu thuốc điều trị COVID-19; Tăng cường kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bán bất hợp lý.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị cử tri đúng thời hạn, đảm bảo việc giải quyết có chất lượng; Khẩn trương giải quyết các kiến nghị đã quá thời hạn nhưng chưa được giải quyết, trả lời.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để mua thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID19 điều trị tại nhà; Xác nhận nhiễm COVID19 và cấp giấy chứng nhận đã khỏi bệnh cho người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị gom vấn đề này thành kiến nghị chung là Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch trong năm 2022 - 2023 theo yêu cầu của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội vì đến nay vẫn chưa ban hành được chương trình này.
Lam Dương - TTTĐ