Đề xuất bỏ nhà ở xã hội để bán

14/06/2020 11:52

Kinhte&Xahoi Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất bỏ nhà ở xã hội để bán, thay vào đó phát triển nhà ở thương mại giá thấp.

Đề xuất bỏ nhà ở xã hội để bán

HoREA cho biết, Điều 53 Luật Nhà ở quy định nhà ở xã hội, nếu được đầu tư bằng ngân sách nhà nước thì được cho thuê, cho thuê mua; Nếu đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn tư nhân thì được cho thuê, cho thuê mua, để bán.

Hiệp hội nhận thấy, trên thực tế các năm qua, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, thì vẫn chỉ thực hiện phương thức cho thuê, hoặc cho thuê mua (bán trả góp 15 năm), chưa có loại “dự án nhà ở xã hội để bán”, thu tiền ngay 1 lần. Thực tế này cho thấy, loại “dự án nhà ở xã hội để bán” không phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Cũng theo HoREA, ở các nước, hình thức phổ biến nhất là loại nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội bán trả góp dài hạn 20-30 năm, nhưng không có loại nhà ở xã hội bán thu tiền ngay như ở nước ta.

Loại nhà ở xã hội bán thu tiền ngay như ở nước ta, thì các nước coi đó là loại nhà ở thương mại giá thấp, như Hàn quốc có 05 loại hình "căn hộ công" cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền thế chân khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm; 30 năm; 20 năm; 05-10 năm).

Singapore đã thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội thông qua Ủy ban phát triển nhà ở (HDB), theo hình thức thuê hoặc mua trả góp dài hạn nhà ở xã hội (từ 1-5 phòng ngủ) trong các khu nhà cao tầng có đầy đủ các tiện ích và dịch vụ, thân thiện môi trường và hiện nay, đã có đến 90% dân số Singapore sống trong các dự án nhà ở xã hội và chủ sở hữu có quyền bán lại nhà, tương tự chính sách nhà ở xã hội của nước ta.

Sở dĩ trên thực tế trong thời gian qua,ở nước ta không có dự án nhà ở xã hội để bán thu tiền ngay 1 lần, bởi lẽ, người mua loại nhà này phải thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, phải có thu nhập thuộc diện không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Do vậy, nguồn thu nhập không đủ để thanh toán ngay, khi mua loại nhà ở xã hội này. Ví dụ: Nhà ở xã hội 50 m2, đơn giá 20 triệu đồng/m2, giá bán lên đến 1 tỷ đồng, có thể nằm ngoài khả năng tài chính của người mua nhà trả tiền 1 lần.

Thứ hai, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Thứ ba, loại nhà ở xã hội để bán có giá bán tương đương với loại nhà ở thương mại giá thấp, thể hiện trong quá trình thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (2013-2016).

“Hiệp hội nhận thấy, dự án nhà ở thương mại giá thấp cần có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển mạnh mẽ, đáp ứng “nhu cầu thực” về nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, người nhập cư, người trẻ mới lập nghiệp, mới lập gia đình”, HoREA nhận định.

Cơ chế chính sách hỗ trợ dự án nhà ở thương mại giá thấp có thể bao gồm về đất đai, tín dụng, thuế, thủ tục đầu tư xây dựng…

Về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội se theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.

HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thống nhất quy định thời hạn cho vay vốn ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội trong từng thời kỳ. Hiện nay, đang là 15 năm. Đề nghị quy định thời hạn 20 năm cho giai đoạn 2021-2025.

Ngọc Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/du-an/de-xuat-bo-nha-o-xa-hoi-de-ban-d127041.html