Hàng hóa ở cửa khẩu: Vì sao đã khuyến cáo vẫn ùn ứ?

29/02/2020 10:34

Kinhte&Xahoi Bộ Công Thương liên tục cập nhật lượng xe tồn tại các cửa khẩu mỗi ngày, phát đi ít nhất 2 văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh khuyến nghị giãn tiến độ đưa hàng lên cửa khẩu nhưng lượng xe tồn hàng ngày vẫn rất lớn. Vì sao lại có hiện tượng này?

Lượng xe tồn ở các cửa khẩu vẫn rất lớn

Tồn vài trăm xe mỗi ngày 

Theo cập nhật tình hình xuất nhập khẩu (XNK) ở các cửa khẩu phía Bắc từ Bộ Công Thương, ngày 26/2, ở cửa khẩu Hữu Nghị xuất 225 xe (bao gồm nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc; Nhập 359 xe (linh kiện điện tử, máy móc, đồ thủy tinh, hàng may mặc, nông sản... Số lượng xe tồn (chờ xuất) tại cửa khẩu này lên đến 310 xe gồm nông sản (mít, thanh long, xoài, nhãn...), linh kiện điện tử và 58 xe nhập khẩu gồm nông sản, linh kiện điện tử. Các ngày trước đó, số lượng tồn cũng thường trên 300 xe mỗi ngày. 

Ở cửa khẩu Tân Thanh, mới chỉ xuất được 40 xe dưa hấu, thanh long, chuối, xoài; Nhập 14 xe nông sản (lạc nhân, hành, quýt, đỗ tương, nấm tươi...) và tồn 125 xe nông sản (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) đang chờ làm thủ tục xuất khẩu (XK). Cửa khẩu Chi Ma tồn 3 xe hạt tiêu XK. Cửa khẩu Cốc Nam dù chưa mở cửa nhưng vẫn có 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh) chờ xuất.

Tại tỉnh Lào Cai, có 145 xe được xuất đi trong ngày 26/2. Các mặt hàng XK chủ yếu gồm 633 tấn thanh long, giá trị 409,8 nghìn USD; 911 tấn dưa hấu, trị giá 177,9 nghìn USD; 90 tấn chuối, trị giá 12 nghìn; 54 tấn xoài, trị giá 28 nghìn USD; 120 tấn mít, trị giá 102,1 nghìn USD. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, lượng xe thanh long lên cửa khẩu giảm mạnh do giá thanh long đang biến động, giá tại chợ bên Trung Quốc rẻ hơn giá thu mua tại vùng trồng nên một số doanh nghiệp (DN) và thương lái chưa cho hàng lên cửa khẩu. Trước đó, mỗi ngày ở cửa khẩu này cũng tồn khoảng 200 xe. 

Tại Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) đã XK 31 xe nông sản (khoảng 455 tấn) theo hình thức trao đổi cư dân biên giới 8.000 NDT/ngày/người, bao gồm 23 xe chuối, 7 xe thanh long, 1 xe tinh bột sắn. Riêng các xe XK chính ngạch lại không phải hàng nông sản mà là xe ván bóc với khối lượng khoảng 132 tấn. 

Riêng tại Quảng Ninh, chính quyền hai bên đã thống nhất thông quan trở lại Lối mở Km3+4 tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) - lối mở/cặp chợ biên mậu thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) từ ngày 25/02/2020, đồng thời kéo dài thời gian nhận hồ sơ hải quan so với trước đây.

Trong thời gian đầu, cơ quan chức năng hai bên thống nhất chỉ cho phép hàng hóa Việt Nam XK làm thủ tục thông quan bao gồm hàng hóa có hợp đồng mua bán giữa hai bên (hợp đồng thương mại), các mặt hàng ưu tiên thông quan hiện nay bao gồm: hoa quả, nông sản, thủy sản tươi sống, hạt điều, tinh bột sắn… Tuy nhiên, dù đã mở tờ khai lượng hàng hóa tươi sống như tôm, cua và thanh long nhưng DN Trung Quốc chưa bố trí nhận được hàng nên phải chờ sang ngày làm việc tiếp theo mới thông quan. 

Đâu là nguyên nhân?

Số liệu mà Bộ Công Thương cung cấp cho thấy, trong tuần vừa qua, mỗi ngày lượng hàng xuất đi trung bình khoảng 250 xe nhưng lượng tồn luôn cao hơn do các xe vẫn đổ về, đặc biệt là cửa khẩu Hữu Nghị. Do đó, Bộ đã tiếp tục phải tổ chức đoàn công tác lên Lạng Sơn để kiểm tra, nắm tình hình XK hàng hóa tại các cửa khẩu. 

Đại diện Cục XNK (Bộ Công Thương) cho biết, dù hoạt động XNK tại cửa khẩu Hữu Nghị đã trở lại bình thường nhưng tiến độ thông quan chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng. Lượng xe vận chuyển hàng cả xuất và nhập qua cửa khẩu chỉ còn tương đương 40% so với trước thời điểm dịch bệnh. Cửa khẩu Tân Thanh cũng ở tình trạng tương tự do chưa khôi phục hình thức trao đổi cư dân biên giới nên dù đã mở cửa được khoảng 1 tuần nhưng hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa vẫn còn rất chậm, chỉ bằng khoảng 20% so với trước đây. 

Vị đại diện này cũng cho biết, Bộ Công Thương đã nắm tình hình từ rất sớm, đã liên tục phát đi công văn hỏa tốc gửi các tỉnh đề nghị khuyến cáo dừng hoặc giãn tiến độ đưa hàng lên biên giới nhưng lượng hàng đổ về mỗi ngày vẫn lên đến vài trăm xe. 

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Thinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, địa bàn trồng thanh long nhiều nhất tỉnh Long An cho biết, mỗi lần huyện nhận được công văn khuyến cáo từ Bộ đều triển khai đến hiệp hội và DN. Tuy nhiên, hầu hết các DN đều khẳng định họ đã có hợp đồng nên vẫn chở hàng lên biên giới. Đây là hoạt động của DN, huyện chỉ có thể thông báo và đề nghị, không thể can thiệp chuyện đưa hàng lên biên giới. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến tình trạng vẫn còn hàng trăm xe nông sản tồn ở cửa khẩu mỗi ngày dù Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị?

Xây dựng kịch bản xuất khấu từng quý

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành chỉ thị khẩn về việc triển khai các giải pháp tăng cường XK, nhập khẩu (NK) trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong Bộ về phát triển XK; Tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu NK phục vụ sản xuất; Thiết bị, vật tư y tế để chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và XK, góp phần đảm bảo tăng trưởng XK theo mục tiêu đã được giao.

Cụ thể, giao Cục XNK xây dựng kịch bản tăng trưởng XK theo từng quý; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phải xây dựng kịch bản tăng trưởng XK đối với khu vực thị trường phụ trách (trong đó nêu rõ từng thị trường cụ thể). Đồng thời rà soát, đánh giá tình hình XK, NK sang các nước có Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia ký kết trong khu vực thị trường phụ trách. Từ đó, đề xuất các thị trường có thể tăng cường XK, những khó khăn cần tháo gỡ và các biện pháp tiếp tục tận dụng khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định để bù đắp sụt giảm kim ngạch XK của quý I/2020. 



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hang-hoa-o-cua-khau-vi-sao-da-khuyen-cao-van-un-u-d118336.html