Nhân dân phấn khởi, an tâm mua hàng
Vài ngày sau khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Ủy ban nhân dân (UBND) các quận đã khẩn trương triển khai các điểm bán hàng lưu động, đồng thời chỉ đạo các phường thông báo để người dân trên địa bàn đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Cách làm này đảm bảo nguồn cung hàng hóa không bị đứt gãy, giúp cho người dân yên tâm và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch.
Người dân đảm bảo giãn cách theo quy định khi đến điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Ba Đình (Ảnh: Mỵ Châu)
Tại quận Tây Hồ, UBND quận đã đưa vào hoạt động các điểm chợ lưu động tại Nhà văn hóa phường Nhật Tân, phố Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Nhà sinh hoạt khu dân cư số 13 (ngõ 46 Nguyễn Hoàng Tôn, phường Phú Thượng); Nhà văn hóa tổ 6, 7 (ngõ 444 đường Thụy Khuê, phường Bưởi) và Nhà sinh hoạt khu dân cư số 3 (số 69 đường Thụy Khuê, phường Thụy Khuê)… Theo đánh giá của đông đảo người dân, đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Ghi nhận tại điểm cung cấp thực phẩm được bố trí tại Nhà sinh hoạt khu dân cư số 3 (phường Thụy Khuê) quy trình phòng dịch, giãn cách được người dân tuân thủ nghiêm ngặt. Tại đây thực phẩm chủ yếu là các mặt hàng tươi sống, rau củ quả, trứng, gạo, các loại gia vị… Điểm cung cấp bán hàng vào 2 khung giờ/ngày, buổi sáng từ 7 - 10 giờ, chiều từ 16 -18 giờ, nhân viên bán hàng đảm bảo thực hiện đúng 5K, cửa hàng có vách ngăn. Các mặt hàng được niêm yết giá công khai và có phiếu đăng ký mua hàng ngày hôm sau để người dân chủ động việc mua thực phẩm.
Trực tiếp trải nghiệm điểm bán hàng lưu động, bà Nguyễn Thị Nga, Bí thư Chi bộ 3 cho biết: "Đây là một địa điểm thực hiện phù hợp trong thời gian giãn cách xã hội. Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này, việc triển khai mô hình chợ lưu động là rất cần thiết. Người dân khi mua thực phẩm không phải đi xa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Thực phẩm tươi ngon, nhân viên phục vụ chu đáo. Chúng tôi rất mong có thêm một số điểm cung cấp thực phẩm như vậy trên địa bàn để phục vụ nhân dân".
Tương tự tại quận Ba Đình, ngay từ những ngày đầu tháng 8, UBND quận đã ban hành kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động tại 14 phường. Mỗi phường có 2 điểm bán hàng lưu động. Ghi nhận tại điểm bán hàng lưu động ở trường Trung học cơ sở Thăng Long (phường Cống Vị) có nhiều loại thực phẩm tươi sống, tất cả hàng hóa đều đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định.
Chia sẻ về lợi ích mô hình điểm bán hàng lưu động mang lại cho người tiêu dùng, bà Trần Hồng Hạnh, người dân khu Tập thể Ủy ban Khoa học xã hội chia sẻ: “Bình thường tôi đi chợ Linh Lang, hôm nay được đi chợ ở điểm bán hàng lưu động tôi thấy rất hợp lý, không gian rộng rãi, đảm bảo giãn cách cho người đi chợ”.
Cần siết chặt nghiêm công tác phòng dịch
Điểm chung của tất cả các điểm bán hàng lưu động đang được triển khai tại các quận là được bố trí ở các khu vực có diện tích phù hợp để thực hiện quy định 5K và bảo đảm an ninh trật tự. Từ những hiệu quả ban đầu mà các điểm bán hàng đem lại có thể thấy mô hình này đang là hướng đi mới cần được nhân rộng để tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi các địa phương phải luôn siết chặt công tác phòng, chống dịch.
Điểm bán hàng tại nhà sinh hoạt khu dân cư số 3, số 69 đường Thụy Khuê (phường Thụy Khuê) các sản phẩm đều được niêm yết giá, quầy hàng có vách ngăn đảm bảo giãn cách.
Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch được triển khai tại điểm cung cấp thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: UBND phường phối hợp với Công ty TNHH Hương Việt Sinh mở điểm cung cấp thực phẩm sạch an toàn cho nhân dân trên địa bàn nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo giãn cách tại khu vực chợ trên địa bàn. Điểm bán hàng có nhiều hàng hóa thiết yếu được niêm yết giá công khai, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các gian hàng đều được lắp vách ngăn trong suốt, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Khách mua hàng phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao hiệu quả của mô hình “vùng xanh” an toàn phấn đấu không để xuất hiện các ca dương tính trong “vùng xanh”, quận Tây Hồ triển khai cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn đến từng Tổ dân phố theo hình thức đặt hàng, cung cấp theo nhu cầu.
Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết: Tại phường tất cả các điểm chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn đã được giải tỏa, người dân chủ yếu tập trung đi chợ Nhật Tân. Chợ hoạt động vào buổi sáng và buổi chiều, luôn có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, UBND phường Nhật Tân đã triển khai các phương án cung cấp hàng hóa thiết yếu tại 9/9 Tổ dân phố, hạn chế tập trung đông người tại chợ dân sinh là nơi có nguy cơ dễ phát sinh, lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu tới các hộ gia đình theo hình thức: doanh nghiệp cung cấp theo phiếu đăng ký đặt hàng hàng ngày. Ban Chỉ đạo phường phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Tập đoàn bữa ăn an toàn đưa hàng hóa thiết yếu tới từng “vùng xanh” đúng số lượng, đúng nhu cầu của từng hộ gia đình, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Nguyễn Hoa - LĐTĐ