Những người hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

04/04/2020 20:06

Kinhte&Xahoi Hơn 2 tháng qua, không thể kể hết những hy sinh thầm lặng của những người ở tuyến đầu và tuyến sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ai nấy đều chứng kiến tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm của mọi tầng lớp Nhân dân. Sức mạnh đoàn kết, sức mạnh tập thể đã đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” trong phòng chống dịch bệnh toàn cầu.

Những chiến sĩ ngày đêm trực chiến

Trong cuộc chạy đua với thời gian để chống lại chủng mới Sars-CoV-2, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không nề hà đến công việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh... Hình ảnh những cán bộ y tế nơi tuyến đầu chống dịch đang gồng mình chiến đấu nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe Nhân dân đã lay động lòng người.

Các nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Bạch Mai (ảnh chụp ngày 1/4). Ảnh: Phạm Hùng

Mới đây, những hình ảnh đầy cảm động trong khu vực "nội bất xuất, ngoại bất nhập" giữa ổ dịch lớn nhất Thủ đô - Bệnh viện Bạch Mai đã chạm đến trái tim của biết bao người dân Việt. Có những y, bác sĩ kiệt sức tranh thủ ngủ gục trên bàn bệnh án, có những nhân viên y tế kiêm nhiệm vụ khuân vác, phân phối hàng hóa… Ở thời điểm này, dù khó khăn đến mấy, nhưng nhân viên y tế Bạch Mai vẫn vững tinh thần, toàn tâm chăm sóc cho người bệnh.

Với việc 2 bác sĩ tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mắc Covid-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân có thể thấy áp lực và căng thẳng của các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch là rất lớn. Song, không vì thế mà họ nản lòng. Họ tự động viên nhau. Nhân viên y tế nhiễm bệnh là chuyện không may. Dù rằng mình có thực hiện chuẩn chỉnh đến đâu thì sơ suất vẫn có thể xảy ra. Và không biết dịch bệnh bao giờ mới kết thúc nên họ vẫn phải tiếp tục chiến đấu dù đã hơn 2 tháng nay chưa được về nhà!

Còn với Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, những chiến sĩ áo trắng luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Bởi họ làm việc liên tục với thời gian trực 24/24h, hơn 1.000 cuộc gọi điện mỗi ngày, khiến cho các nhân viên túc trực nơi đây hiếm có một bữa cơm trọn vẹn.

Dường như những nhân viên ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội không có bất cứ một chút thời gian nào dành cho bản thân cũng như gia đình. Mọi công việc riêng tư đều phải gác lại để thực hiện nhiệm vụ chung - đẩy lùi dịch bệnh.

Cũng hơn 2 tháng qua, cán bộ, nhân viên y tế thuộc TTYT huyện Sóc Sơn lấy cơ quan làm nhà, cách ly hoàn toàn với gia đình bởi dịch Covid-19. Vượt qua khó khăn của nhịp sống sinh hoạt có nhiều thay đổi, tất cả đều hiểu rằng, đây là cách an toàn nhất để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo cho chính những người thân trong trường hợp không may có người nhiễm Sars-CoV-2.

Dù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng may mắn khi họ luôn nhận được sự động viên, khích lệ lớn từ gia đình, nơi hậu phương vững chắc. Những người chiến sĩ ấy tự hứa, sẽ đi cùng nhau cho đến hết dịch, hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc.

Triệu trái tim luôn sát cánh đồng hành

Trong suốt hơn 2 tháng qua, có thể thấy rõ rằng, Chính phủ Việt Nam đã hành động “nhanh và quyết liệt” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam thành công bước đầu là nhờ sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó cần phải khẳng định vai trò trụ cột của Chính phủ, sự đồng hành của TP Hà Nội, của các lực lượng quân đội, công an, ngành y tế. Đó còn là sự chi viện, ý thức của người dân đồng lòng với Chính phủ trong phòng chống Covid-19.

Đã có nhiều cá nhân, tổ chức bằng nhiều hình thức tự nguyện ủng hộ các địa phương, cơ sở, đội ngũ y bác sĩ và những trường hợp phải cách ly. Mỗi người dân sẽ kề vai sát cánh cùng các y bác sĩ, bộ đội và công an trong công việc phòng chống dịch.

Thật xúc động khi trên mọi miền Tổ quốc, hàng triệu chiến sĩ, tình nguyện viên đang đồng hành, chung tay chống dịch bệnh. Hình ảnh những người lính áo xanh đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, chia ca trực 24/24h đảm bảo an ninh, hàng đêm "thức cho dân ngủ" đã trở nên quen thuộc. Những con người sẵn sàng cống hiến hy sinh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vật chất khó khăn, sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo”, ăn, ngủ vạ vật, dành chỗ ăn ở sạch sẽ, ấm áp của mình cho người cách ly… Những hình ảnh đó đã chạm đến trái tim của bất cứ ai.

Xúc động trước những hình ảnh làm lay động lòng người ấy, bác sĩ Trần Phan Dương - nguyên Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư đã sáng tác bài thơ: "Dòng máu Việt Nam"... như thay lời muốn nói tận đáy lòng mình, lời cảm ơn, tri ân sâu sắc gửi tới những người hy sinh nhiều nhất trong trận chiến cam go chống dịch Covid-19.

Hay đó là bức thư cảm động “Vitamin hạnh phúc” của cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã lan tỏa tới học sinh và cộng đồng về sự trân trọng, yêu thương thầy thuốc Việt Nam - những người đang gồng mình chống dịch Covid-19. Qua thư, cô Thu Anh kêu gọi sự vào cuộc của học sinh, phụ huynh tích cực triển khai các dự án “Vì cộng đồng” để quyên góp, hỗ trợ cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

Bằng sự tri ân chân thành với những người đang ngày đêm chiến đấu với Covid-19, cô sinh viên Châu Thị Ngọc Anh (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) đã vẽ nên bộ tranh "Những người hùng thầm lặng". Bộ tranh lay động người xem bởi những nét vẽ sinh động, ghi lại những khoảnh khắc chân thực của những người ở tuyến đầu chống dịch.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid -19, hàng triệu trái tim Việt Nam đang ngày đêm tham gia ủng hộ bằng tinh thần cũng như vật chất với niềm tin, Việt Nam sẽ chiến thắng được dịch bệnh.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh đẹp, tấm lòng trân quý của cụ Nguyễn Thị Tửu (101 tuổi, TP Hà Tĩnh) đã mua 2 tấn gạo bằng số tiền tiết kiệm tích góp cả đời của mình ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Hay “Chỉ có thể là người mẹ Việt Nam” - những dòng trạng thái ấy đang được cộng đồng chia sẻ trên facebook về hình ảnh Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) gần 90 tuổi dù lưng đã còng, chân đi không vững nhưng Mẹ đã đi bộ từ nhà mang theo 5kg gạo cùng một túi rau hái đến điểm cách ly để ủng hộ. Thật trân quý biết bao khi bà Trần Thị Bình (74 tuổi, Hà Tĩnh) đi bộ hơn 2km mang gạo đến ủng hộ tại khu cách ly dành cho những người về từ vùng dịch nghi nhiễm Covid-19… Những hình ảnh đẹp đó đã khiến biết bao người cay cay nơi sống mũi.

Cảm phục hơn khi cậu bé Nguyễn Sam (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) chỉ mới 13 tuổi thôi nhưng đã góp phần chống dịch Covid-19, bằng cách quyết tâm làm bánh để bán lấy tiền mua khẩu trang, quần áo bảo hộ tặng các y, bác sĩ. Một hành động rất nhỏ nhưng ý nghĩa, nhân văn vô cùng.

Cũng chung mục đích tốt đẹp như Sam, em Đinh Quang Nghị (21 tuổi) - một du học sinh Mỹ đã quyết định dành toàn bộ tiền tiết kiệm (từ việc dạy thêm tiếng Anh và hoạt động khác ở Mỹ) là 18 triệu đồng để ủng hộ công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam khi Nghị đang cách ly ở Hà Nội.

Còn nhiều lắm, những nghĩa cử cao đẹp ở trong cộng đồng người Việt, tất cả với tinh thần “ai có gì ủng hộ nấy” chỉ mong Việt Nam sớm chiến thắng được dịch bệnh.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nhung-anh-hung-tham-lang-379915.html