Quyền lợi của Giáo viên, học sinh trong kỳ nghỉ dịch COVID-19 sẽ như thế nào?

25/02/2020 14:59

Kinhte&Xahoi Học sinh được nghỉ học phòng chống Covid-19 có được xem xét giảm học phí không? Giảng viên, Giáo viên, nhân viên trường học liệu họ có được trả lương...?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 432 ngày 14/02/2020 chỉ đạo về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Việc nghỉ học quá dài như vậy đã khiến không ít phụ huynh lo lắng tình trạng học tập của con em mình đặc biệt là những học sinh cuối cấp, cũng như có nhiều thắc mắc xung quanh việc học sinh được nghỉ học như “ học sinh được nghỉ học phòng chống Covid-19 có được xem xét giảm học phí không”? và giảng viên, giáo viên, nhân viên trường học cũng thắc mắc liệu họ có được trả lương cho thời gian nghỉ do dịch bệnh do virus Corona hay không?

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Công ty Luật TAT Law firm.

PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Công ty Luật TAT Law firm.

Theo LS Thảo cho biết: Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 quy định việc trả lương trong thời gian ngừng việc như sau: “Đối với trường hợp ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”

Như vậy, lý do dẫn đến giáo viên, giảng viên phải tạm ngừng giảng dạy là do dịch bệnh. Đây là sự kiện bất khả kháng, do khách quan tác động mà không ai có thể lường trước được.

Bản thân nhà trường, cũng như giáo viên đều không mong muốn phải tạm nghỉ vì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy cũng như quá trình tiếp thu và học tập của các em học sinh.

Do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 98 BLLĐ thì trong thời gian phải nghỉ do dịch bệnh, giảng viên, giáo viên vẫn được hưởng lương theo thỏa thuận nhưng mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định..

Cụ thể là Vùng I: 4.420.000đồng/tháng, Vùng II: 3.920.000đồng/tháng;Vùng III: 3.430.000đồng/tháng, Vùng IV 3.070.000đồng/tháng).

Ngoài ra, Riêng đối với giáo viên là viên chức thì vẫn được hưởng các khoản phụ cấp như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực … theo quy định của Luật Viên chức 2010, Luật Giáo dục 2005.

“Theo quan điểm của tôi, nên áp dụng chế độ nguyên lương cho giảng viên, giáo viên trong thời gian phải nghỉ phòng chống Covid-19. Bởi lẽ, việc giáo viên nghỉ dạy không có nghĩa là họ không phải làm gì. Thực tế, họ vẫn phải tổ chức biên soạn giáo án, các chương trình và bài tập để hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Đồng thời khối lượng kiến thức của học sinh là không thay đổi.

Vì vậy, khi có thông báo học sinh đi học trở lại, giáo viên, giảng viên vẫn phải đảm bảo đủ khối lượng kiến thức cho học sinh, sinh viên bằng việc tổ chức dạy bù, hoặc kéo dài thời gian giảng dạy cho học sinh” LS Thảo nhấn mạnh.

Nói về vấn đề nếu các thầy cô và nhân viên của trường vẫn được hưởng lương thì nhà trường có phải hoàn trả học phí trong những ngày học sinh nghỉ dịch bệnh không?

LS Thảo cho biết: Đây có lẽ là chủ đề được quan tâm và bàn tán nhiều trên các diễn đàn trong suốt thời gian qua. Pháp luật của chúng ta hiện chưa có quy định về vấn đề này.

Đối với các trường học công lập, Bộ giáo dục và đào tạo sẽ quyết định sau thời gian nghỉ dịch, các trường sẽ phải tổ chức học bù, đảm bảo dạy đủ chương trình nên tổng số tháng học để tính thu học phí là không đổi. Vì vậy nhà trường không phải hoàn trả học phí trong những ngày học sinh được nghỉ học do dịch bệnh, vì về bản chất học sinh sẽ được bảo lưu để học bù.

Đối với các trường học ngoài công lập, việc nhà trường có phải hoàn trả học phí cho học sinh trong những ngày nghỉ học vì dịch bệnh hay không thì cần phải có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, các chính sách về tài chính của mỗi trường, văn bản cam kết giữa nhà trường và phụ huynh quy định về vấn đề này là như thế nào?

Ảnh: Hoàng Nam.

Thực tế, học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 không đồng nghĩa là lượng kiến thức của các em trong thời gian nghỉ này bị mất đi. Khối lượng kiến thức của học sinh, sinh viên là không thay đổi, thời gian học tập của học sinh cũng không bị bớt đi mà nhà trường, giáo viên vẫn phải đảm bảo tất cả các khối lượng kiến thức giảng dạy theo quy định.

Theo đó học sinh sẽ được học bù và thời gian học sẽ kéo dài hơn so với mọi năm. Thiếu chương trình thì nhà trường sẽ dạy bù, học bù chứ không để treo kiến thức sang năm học kế tiếp
 
Vì vậy, đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập có kế hoạch học bù cho thời gian nghỉ dịch bệnh thì nhà trường không phải hoàn trả học phí. Bởi lẽ, bản chất khoản tiền học phí đã đóng trong thời gian nghỉ là đã được bảo lưu và sử dụng trong thời gian học bù..

Tuy nhiên, các trường học, đặc biệt các trường tư, dân lập cũng cần xem xét về việc trả lại tiền ăn, tiền dịch vụ đưa đón học sinh, tiền chăm sóc bán trú…. cho phụ huynh căn cứ trên số buổi nghỉ theo quy chế được quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập: không có kế hoạch học bù, hoặc thời gian học bù là chưa phù hợp với thời gian nghỉ do dịch bệnh (ví dụ các trường mầm non tư thục với chức năng chủ yếu là trông trẻ) thì nhà trường phải hoàn trả tiền học phí trong những ngày học sinh nghỉ học.

Khi được hỏi về vấn đề nhiều trường tư đã phải quyết định tinh giảm nhân sự, buộc thôi việc nhiều giáo viên và những nhân sự khác? Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng, đối với những trường học tư thục (cơ sở giáo dục ngoài công lập) thì quan hệ giữa giáo viên và nhà trường là quan hệ lao động, được điều chỉnh bởi pháp luật lao động.

Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động quy định: “Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”..

Như vậy, pháp luật cho phép nhà trường (trường học tư thục) được quyền đơn phương cho giáo viên nghỉ việc vì dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ được phép cho giáo viên nghỉ việc khi mà nhà trường đã sử dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải cắt giảm nhân sự.

“Khi giáo viên phải nghỉ việc vì lý do dịch bệnh thì sẽ được nhà trường thanh toán đầy đủ các khoản như tiền lương, phụ cấp lương, trợ cấp thôi việc…..Đồng thời, được trả lại các giấy tờ nếu nhà trường đã giữ. Tuy nhiên, nếu nhà trường vi phạm thủ tục báo trước cho giáo viên trước khi cho giáo viên nghỉ việc thì ngoài những quyền lợi trên, giáo viên còn được bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không được báo trước…”. LS Thảo nhấn mạnh.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng mặc dù pháp luật cho phép nhưng nếu vì dịch bệnh mà giáo viên buộc phải thôi việc thì sẽ gây ra những hệ lụy không hề nhỏ. Thị trường lao động nói chung, thị trường ngành giáo dục nói riêng bị xáo trộn và không ổn định.

Tâm lí của thầy cô là luôn hoang mang, lo sợ sẽ thuộc diện bị buộc thôi việc, có thể bị thất nghiệp mỗi khi dịch bệnh, thiên tai hay hỏa hoạn, vì vậy không thể chuyên tâm công tác. Nó cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lí của những em mong muốn trở thành “nhà giáo” khi mà nguy cơ mất việc lại trở nên dễ dàng đến thế.

Vì vậy, không cần thiết phải cắt giảm giáo viên. Trước những tác động tiêu cực mà Covid-19 gây ra, tôi cho rằng không chỉ nhà trường và giáo viên cùng chung tay chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này mà cả đất nước đều cùng cố gắng, nỗ lực, giúp đỡ nhau để chiến thắng dịch bệnh.

Thay vì phải buộc cho giáo việc thôi việc để xoay sở “tài chính”, thì nhà trường hoàn toàn có thể thỏa thuận với giáo viên tạm hoãn làm việc trong khoảng thời gian dịch bệnh này.

Theo đó, hết thời gian này, giáo viên có thể được tiếp tục giảng dạy, nhà trường thì không cần tìm thêm giáo viên mới để bổ sung nhân sự. Điều này là phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của hai bên, lại có tính nhân đạo.          

Ngoài ra, các trường cũng hoàn toàn có thể có những đề xuất, ý kiến về những khó khăn trong thời gian học sinh nghỉ học lên Phòng giáo dục và đào tạo địa phương hoặc các cơ quan nhà nước khác để được giúp đỡ.

Covid – 19 là dịch bệnh là rất nguy hiểm, vì vậy nguyên tắc đầu tiên là phải bảo vệ sức khỏe, an toàn cho các em học sinh, sinh viên là trên hết. Tuy nhiên việc đảm bảo sức khỏe cho các em bằng cách tạm thời nghỉ học không có nghĩa là các em phải ngừng học.

Thực tế, nhà trường, các cơ sở giáo dục đào tạo cần chủ động tổ chức giảng dạy trực tuyến qua các phương tiện như sky, zalo hay các ứng dụng khác; đồng thời thường xuyên nhắc nhở việc tự học và theo dõi quá trình học tập của học sinh, sinh viên.

Đây là một hình thức tôi cho là khá hiệu quả và hữu ích khi học sinh vẫn học tập, tiếp thu kiến thức; còn thầy cô thì vẫn giảng dạy, tiết kiệm được thời gian cũng như các em học sinh không bị gián đoạn về kiến thức, đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch học của cả nước. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quyen-loi-cua-giao-vien-hoc-sinh-trong-ky-nghi-dich-covid-19-se-nhu-the-nao-d118083.html