Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 22 tháng 4 năm 2020; Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành công văn hỏa tốc số  3864/BGTVT-VT ngày 22/4/2020 yêu cầu các cơ quan đơn vị (Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) yêu cầu khẩn trương thực hiện một số nội dung về vận chuyển hành khách.

Tàu bay xếp hàng dài tại sân bay Nội Bài (ảnh: Hữu Việt/báo Tiền phong).

Theo đó, tiếp tục hạn chế vận chuyển hành khách, áp dụng các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch bệnh theo Công văn số 3863/BGTVT-CYT ngày 22 tháng 4 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với vận tải hành khách liên tỉnh, trường hợp thay đổi về tần suất hoặc hạn chế điểm đến theo ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với hoạt động vận chuyển hành khách thuộc 2 nhóm địa phương là nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp sẽ thực hiện theo kế hoạch cụ thể như sau:

Trong lĩnh vực Hàng không, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ có tổng tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay Hà Nội/thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng và ngược lại thì tổng tần suất 06 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Đường bay Hà Nội/thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương khác, mỗi hãng được khai thác 01 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Đường bay thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ngược lại: 1 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/thành phố Hồ Chí Minh: mỗi hãng được phép khai thác 01 chuyến khứ hồi/ngày.

Vận tải hành khách đường bộ nội tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách thuộc phạm vi quản lý.

Vận tải hành khách liên tỉnh, xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 01 chuyến/tuyến).

Đối với xe hợp đồng, xe du lịch: chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 01 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).

Đường sắt tuyến Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh chỉ được khai thác tối đa 03 đôi tàu khách/ngày (03 chuyến Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh và 03 chuyến ngược lại). Các tuyến đường sắt còn lại: duy trì mỗi tuyến 01 đôi tàu khách/ngày (01 chuyến đi và 01 chuyến ngược lại).

Vận tải hành khách nội địa đối với hàng hải và đường thuỷ nội địa sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Vận tải hành khách liên tỉnh được vận chuyển tối đa 1 chuyến/tuyến/ngày.

Cùng với đó, Bộ Giao thông cũng hướng dẫn các điều kiện y tế trên các phương tiện như: Trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải.

Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện (không quá 50% số ghế và cách 01 ghế) hoặc đảm bảo cách nhau 1m.

Yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện, người phục vụ và hành khách đi trên phương tiện phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt chuyến đi.

Yêu cầu hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế điện tử (hoặc khai báo y tế giấy); Kiểm tra thân nhiệt; Sát khuẩn tay.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/tu-hom-nay-duong-bay-ha-noi--tp-hcm-chi-duoc-van-chuyen-20-chuyen-ngay-d117007.html