Xuất khẩu nông sản: Quyết tâm tạo đà tăng trưởng

22/06/2020 17:12

Kinhte&Xahoi Đến nay nhiều quốc gia đã và đang khống chế thành công dịch Covid-19 nên nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm dự báo sẽ tăng mạnh. Mặt khác, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 sẽ mở thêm nhiều cánh cửa cho nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trước những tín hiệu tích cực đó, chúng ta quyết tâm khai thác thời cơ để tạo đà tăng trưởng như thế nào?

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới khi dịch Covid-19 tại nhiều nước cơ bản được kiểm soát. Trong ảnh: Bảo quản sản phẩm vải xuất khẩu ở một cơ sở thu mua tại xã Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương).     Ảnh: TTXVN

Những tín hiệu tích cực

Dịch Covid-19 diễn ra tại nhiều quốc gia đã tác động mạnh đến tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tính riêng 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Khó khăn vẫn ở phía trước, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc - thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, cà phê, hạt điều và gạo vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Trong khi, nhiều tín hiệu tích cực đã đến với mặt hàng trái cây khi quả vải tươi liên tiếp có hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Australia... Cụ thể ngày 19-6, những lô vải thiều u hồng đầu tiên của Việt Nam đã đến với thị trường Australia và được người tiêu dùng đón nhận. Mới đây nhất, lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng đã hoàn thành thủ tục hải quan tại sân bay Narita với mẫu mã, chất lượng tốt và đang chờ phân phối về hệ thống siêu thị của nước này.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ Trương Thị Thanh Thảo cho biết: Theo phản hồi từ phía đối tác, Australia muốn nhập 20-30 tấn vải thiều tươi mỗi tuần. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, việc xuất khẩu vải tươi hiện nay khá thuận lợi. Chất lượng vải tươi của 2 địa phương gồm Bắc Giang và Hải Dương đều thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của đối tác.

Thủy sản - một thế mạnh xuất khẩu khác của ngành Nông nghiệp cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Ðình Hòe cho biết, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đã tăng 9% trong tháng 5. Với đà tăng trưởng đó, Nhật Bản sẽ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8 tới sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam khi các thị trường này bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng…

Tập trung vào chế biến

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh An Giang).       Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, do vậy dù nhiều quốc gia chưa hoàn toàn khống chế được dịch Covid-19 thì nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này cũng sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để giải quyết những bất cập phát sinh từ thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh như: Gạo, thủy sản, trái cây… trong đó, tập trung vào các sản phẩm chế biến.

Theo ông Trần Thanh Nam, nâng cao năng lực chế biến là giải pháp hữu ích nhất trong bối cảnh dịch bệnh để nông sản Việt Nam duy trì tăng trưởng. Thứ trưởng cũng khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 4-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nông sản xuất khẩu Việt Nam có bước tiến vững chắc khi EVFTA có hiệu lực.

Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Cao Khuê chia sẻ, các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế lớn tại thị trường EU khi thuế suất của 85,6% dòng sản phẩm rau quả chế biến vào thị trường này sẽ được giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Thêm nữa, các sản phẩm từ gạo cũng được giảm thuế về 0% sau 3-5 năm…

Để tạo đà tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, cùng với việc mở rộng thị trường những mặt hàng chế biến, đông lạnh như: Cá tra, mực, bạch tuộc..., thì việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị là hết sức cần thiết. Đồng thời, cần có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa ngành thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để hướng tới những mục tiêu xa hơn.

Riêng thị trường Trung Quốc, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất trong nước nên nhu cầu nhập khẩu nông sản tăng mạnh. Tuy nhiên, để tạo đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần tập trung vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn này. Ngành Nông nghiệp cần theo sát tình tình xuất khẩu qua biên giới để giải quyết các vấn đề phát sinh, từng bước tái cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, phục hồi tăng trưởng, Bộ đang gấp rút hoàn thiện Đề án xuất khẩu nông sản để trình Chính phủ, trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn về cơ chế, chính sách hiện nay. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các dự án tổ hợp chế biến nông sản để có ít nhất 4 nhà máy chế biến lớn được khánh thành trong nửa cuối năm nay.

Với những giải pháp được đưa ra, tin tưởng rằng, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ có bước tiến mới mạnh mẽ trong thời gian tới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/970653/xuat-khau-nong-san-quyet-tam-tao-da-tang-truong