Bắc Ninh - Bài 2: Doanh nghiệp “bóp cổ” sông Đuống được cơ quan chức năng “hà hơi tiếp sức”?
Kinhte&Xahoi
“Khi môi trường bị hủy hoại, dịch bệnh sẽ xảy ra, gây bất ổn xã hội, tổn hại nghiêm trọng đến chủ trương và sự quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta”, luật sư Quách Thành Lực bày tỏ.
Ngày 17/3/2020, ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh đã ký văn bản gửi UBND huyện Tiên Du về việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên bãi sông Đuống, xã Tri Phương, huyện Tiên Du.
Theo đó, ngày 21/02/2020, UBND huyện Tiên Du có văn bản số 129/UBND-CV và 130/UBND-TNMT; văn bản số 01/CV-CTNĐ ngày 05/01/2020 của Công ty TNHH Nam Đạt và văn bản số 09/CV-CPXD ngày 22/01/2020 của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hùng gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị cấp phép xây dựng bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng ở ngoài bãi sông tương ứng với vị trí thuộc đoạn từ K23+960 đến K24+100 và L24+100 đến K24+300 đê tả Đuống, xã Tri Phương, huyện Tiên Du kèm theo hồ sơ xin cấp phép.
Dù đã được Hạt quản lý đê Tiên Du lập biên bản và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý vì vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng 2 doanh nghiệp vẫn được "ưu ái" đề xuất cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, qua công tác quản lý và kiểm tra hiện trường, ngày 10/3/2020 Sở NN&PTNT Bắc Ninh nhận thấy: Tại vị trí bãi sông tương ứng K23+960 đến K24+100 và K24+100 đến K24+300 đê tả Đuống, thôn Cao Đình, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, Công ty TNHH Nam Đạt và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hùng đã xây dựng các hạng mục nhà điều hành, nhà xưởng, chôn cột điện…
Đây là hành vi vi phạm pháp luật về đê điều gây cản trở dòng chảy và thoát lũ đã được Hạt quản lý đê điều Tiên Du lập biên bản và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý.
Để thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đê điều, Sở NN&PTNT Bắc Ninh đã đề nghị UBND huyện Tiên Du chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, tổ chức xử lý dứt điểm hành vi vi phạm nêu trên của Cty Nam Đạt và Cty Tuấn Hùng.
Đồng thời Sở NN&PTNT Bắc Ninh cũng "gợi mở": Sau khi xử lý vi phạm xong, Sở NN&PTNT sẽ xem xét đề nghị UBND tỉnh cấp phép xây dựng bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng ở ngoài bãi sông theo đề nghị.
Trao đổi với PV Dân trí về sự việc, luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Hành vi vi phạm của Công ty TNHH Nam Đạt và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hùng rất rõ ràng. Đó là xây dựng các hạng mục nhà điều hành, nhà xưởng, chôn cột điện… vi phạm pháp luật về đê điều gây cản trở dòng chảy và thoát lũ. Hành vi này đã được Hạt quản lý đê Tiên Du lập biên bản và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý.
Tuy nhiên ngay tại văn bản đề nghị xử lý hành vi vi phạm với lời lẽ “đanh thép”: “Sở NN&PTNT Bắc Ninh đã đề nghị UBND huyện Tiên Du chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, tổ chức xử lý dứt điểm hành vi vi phạm nêu trên của Công ty Nam Đạt và Công ty Tuấn Hùng” thì ngay sau đó Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh lại chỉ đường đi nước bước cho đơn vị sai phạm rất khó hiểu: “Sau khi xử lý vi phạm xong, Sở NN&PTNT sẽ xem xét đề nghị UBND tỉnh cấp phép xây dựng bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng ở ngoài bãi sông theo đề nghị”.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng: Nếu cơ quan chức năng có biểu hiện bao che, làm ngơ, cố tình làm giảm nhẹ hậu quả vi phạm thậm chí là “hà hơi tiếp sức” để vi phạm xảy ra thì tất yếu môi trường sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng không thể khắc phục.
Theo luật sư Lực, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định nghiêm cấm: Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.
“Việc trong cùng một văn bản câu trước yêu cầu xử lý, câu sau chỉ đường khắc phục sai phạm để tạo điều kiện cho tổ chức vi phạm được hợp thức hóa vi phạm trước đây của mình khiến dư luận hết sức bất bình.
Ngoài ra đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định pháp luật thì các cơ quan chức năng cần phải đưa vào danh sách tổ chức hạn chế hoặc không đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo koản 3 điều 58 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có điều kiện không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác”.
Hành vi vi phạm môi trường, vì trục lợi mà bất chấp hậu quả môi trường của các cá nhân, tổ chức chỉ bị hạn chế khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, dứt khoát đúng quy định pháp luật. Còn nếu như hiện nay cơ quan chức năng có biểu hiện bao che, làm ngơ, cố tình làm giảm nhẹ hậu quả vi phạm thậm chí là “hà hơi tiếp sức” để vi phạm xảy ra thì tất yếu môi trường sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng không thể khắc phục. Khi môi trường bị hủy hoại dịch bệnh sẽ liên tiếp xảy ra, đời sống dân sinh xáo trộn làm bất ổn xã hội gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ trương và sự quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta”, luật sư Lực bày tỏ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.