Nhiều trường hợp chó thả rông gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Cấm hay không cấm vật nuôi trong chung cư?
Việc có được nuôi chó, mèo tại chung cư hay không là vấn đề từng gây ra các luồng quan điểm trái chiều, bức xúc trong dư luận khi rất nhiều vụ việc chủ nuôi để thú cưng thả rông, phóng uế bừa bãi, thậm chí tấn công người tại những nơi công cộng. Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở thì việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tuy nhiên, việc chó, mèo có được xác định là gia súc hay không cũng vẫn là điều gây tranh cãi. Theo khoản 6 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018, “gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi”. Nhiều ý kiến cho rằng chó, mèo có cả 3 đặc điểm nêu trên nên cũng được coi là một loại gia súc và nằm trong phạm vi bị điều chỉnh tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, tại Phụ lục II Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi lại liệt kê chó, mèo vào danh mục động vật khác, không nằm trong loại vật nuôi là gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, cừu, thỏ, lợn. Điều này được Bộ Xây dựng trong Văn bản số 176/BXD-QLN ban hành ngày 18/1/2021 khẳng định lại một lần nữa: Chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm. Do đó, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định. Đáng chú ý, cũng tại văn bản này, Bộ Xây dựng cho rằng tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được hội nghị nhà chung cư thông qua để bảo đảm việc sử dụng nhà chung cư an toàn, văn minh.
Trên thực tế, nhiều ban quản lý toà chung cư đã chủ động quy định nội dung cấm nuôi chó, mèo trong toà nhà chung cư. Điều này cũng vấp phải sự phản đối nhất định từ những chủ sở hữu vật nuôi khi quyết định sinh sống tại chung cư. Đến nay, việc nuôi chó, mèo vẫn tương đối phổ biến ở nhiều toà chung cư, cho thấy việc cấm hay không cấm chó, mèo tại chung cư vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Dù có quy định cấm nuôi chó, mèo ở chung cư hay không thì chủ nuôi vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật khác về quản lý vật nuôi ở nơi công cộng. Luật Chăn nuôi 2018 có quy định người nuôi chó phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Bên cạnh đó, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị, nơi công cộng hoặc để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, nếu để chó, mèo phóng uế bữa bãi không dọn sạch có thể cấu thành hành vi vi phạm quy tắc “Giao thông đường bộ”. Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với hành vi: Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố. Về mức phạt đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng đã được điều chỉnh bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Theo những quy định này, nếu người dân phát hiện vi phạm, có thể đề nghị cán bộ UBND phường hoặc công an địa phương lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo quy định trên. Tuy nhiên, số lượng trường hợp xử lý vi phạm trên thực tế với chủ nuôi chó, mèo vẫn còn khá hạn chế.
Cần siết chặt thực thi quy định phòng, chống bệnh dại
Chủ nuôi “vô tư” không rọ mõm chó ở nơi công cộng tiềm ẩn nguy hiểm đến người khác.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại. Bộ Y tế cũng phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người chủ yếu là do người bị động vật dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Cũng theo một thống kê khác của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh dại gia tăng là do tổng đàn chó, mèo của cả nước hiện đã lên tới gần 7 triệu con, trong khi tỉ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40%. Hiện chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.
Trong Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT đã quy định rõ về trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo, trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan thú y trong việc quản lý vật nuôi. Cụ thể, chủ nuôi chó, mèo phải tuân thủ 05 quy định. Thứ nhất là phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Thứ hai, phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Thứ ba, phải nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Thứ tư là chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Thứ năm, phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó; trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND cấp xã có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn (gồm các thông tin: họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng vaccine dại). Hằng năm trước đợt tiêm phòng, cơ quan này phải thực rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn.
Đồng thời, UBND cấp xã cũng có nhiệm vụ ban hành quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. Theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, hành vi “không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng” bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng.
Như vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhắc nhở, chủ nuôi chó phải bảo đảm vệ sinh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng, luật pháp hiện hành có quy định rõ các biện pháp chế tài đối với người vi phạm. Chủ nuôi chó không bảo đảm các biện pháp an toàn khi nuôi theo quy định, để chó tấn công gây thiệt hại cho người khác thì chủ nuôi có thể bị xem xét xử lý liên quan đến trách nhiệm. Tùy hậu quả mà chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự hay xử phạt hành chính hoặc bồi thường dân sự.
Người dân phát hiện vi phạm của vật nuôi và chủ vật nuôi cũng có thể báo cáo tới chính quyền địa phương để có cơ sở xử lý vi phạm kịp thời. Thiết nghĩ, để các quy định pháp luật thực sự đi vào thực tế cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của tất cả mọi người, đặc biệt là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, nhằm xử lý dứt điểm vi phạm, tạo tính răn đe cho xã hội.
Diệu Bảo - Pháp luật Plus