Cụ thể, theo Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng đây là bệnh nhân 577 (BN 577), nữ, 73 tuổi (quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng), có tiền sử bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ, suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp, gãy xương đùi phải.
Như vậy đây là ca mắc Covid-19 tử vong thứ 27 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.
Bệnh nhân tử vong sáng 23/8 tại Trung tâm y tế Hòa Vang. Nguyên nhân tử vong là biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do viêm phổi Covid-19 trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim, gãy cổ xương đùi.
Tất cả các trường hợp tử vong tại nước ta đến nay đều là bệnh nhân trong đợt dịch khởi phát tại Đà Nẵng từ ngày 25/7 đến nay. Các bệnh nhân tử vong đều có nhiều bệnh mãn tính như thận, ung thư, tiểu đường, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.
Tính đến 6h ngày 23/8, Việt Nam có tổng cộng 1.014 ca mắc Covid-19, trong đó 672 trường hợp do lây nhiễm trong nước. Trong đó, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay 532 ca, xảy ra tại 15 tỉnh thành.
Bệnh viện chủ động xét nghiệm Covid-19 cho y bác sĩ có hội chứng cúm, sốt, ho
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn về việc tăng cường năng lực xét nghiệm RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 tại các bệnh viện.
Trong đó, Bộ Y tế nhắc các cơ sở y tế phải thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt lưu ý người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, nằm các khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch.
Ảnh: Sơn Tùng.
Đồng thời, các bệnh viện cần tăng cường chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng.
Với bệnh viện đã được cho phép xét nghiệm khẳng định, đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác. Đơn vị nào đã có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR phải sớm triển khai xét nghiệm, tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Với các đơn vị chưa đủ năng lực làm xét nghiệm PCR, Bộ yêu cầu phải chủ động liên hệ với các đơn vị có năng lực để gửi mẫu xét nghiệm. Cơ sở cũng cần phải có kế hoạch, thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp, báo cáo cơ có thẩm quyền để nâng cao năng lực, đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc, khẳng định virus SARS-CoV-2 trước ngày 31/12.
Sở Y tế các tỉnh, thành có trách nhiệm điều phối hợp lý các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn trong tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR để đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm, tránh chồng chéo, lãng phí.
Nam Phương - Theo Dân Trí