Nhiều người “sập bẫy” đối tượng lừa đảo
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, ngày 8/3, một số đối tượng giả danh công an, gọi điện cho bà T.T.T (75 tuổi, hưu trí ở thị xã Sơn Tây) nói đang điều tra vụ án ma túy, rửa tiền rồi yêu cầu bà T cung cấp thông tin cá nhân và số tiền tiết kiệm.
Khi bà T nói mình có 150 triệu đồng gửi ngân hàng, kẻ gian bảo bà T đi rút tiền, chuyển vào tài khoản do chúng cung cấp để "cơ quan công an" giữ hộ. Điều tra xong, nếu chứng minh bà không tham gia vụ án thì họ sẽ hoàn tiền gốc và lãi.
Lo bị mất tài sản, lại sợ dính đến điều tra, pháp lý, bà T ra ngân hàng định chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, khi sắp thực hiện giao dịch, bà T đã nghi ngờ đây là kẻ xấu gọi điện lừa đảo nên báo công an. Nhờ đó, nạn nhân bảo toàn được tài sản.
Thời gian qua, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng đặt hàng trăm biển cảnh báo lừa đảo tại các phòng giao dịch trên địa bàn
Trước đó vào ngày 6/3, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ việc đối tượng giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 600 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 3/3, Công an thị xã Sơn Tây tiếp nhận đơn trình báo của ông Nguyễn Văn T, 74 tuổi, ở thị xã Sơn Tây đến trình báo về việc nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an.
Người này thông báo đang điều tra đường dây rửa tiền liên quan đến ông T và yêu cầu ông nộp tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh. Lo sợ bị dính líu đến pháp luật, ông T liền làm theo hướng dẫn, chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng.
Sự việc sau đó được người thân trong gia đình ông T biết và cho rằng bị lừa đảo nên đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.
Những tấm biển cảnh báo lừa đảo được đặt tại quầy giao dịch của các ngân hàng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng, chống tội phạm
Còn nhớ vào tháng 8/2021, Công an quận Ba Đình cũng tiến hành điều tra vụ việc tương tự. Cụ thể, ngày 26/8/2021, ông Q (SN 1956, ở quận Ba Đình, Hà Nội) đến Công an phường Liễu Giai trình báo việc nhận được điện thoại từ một đối tượng lạ nói tài khoản của ông có liên quan đến vụ án ma túy. Đối tượng đã yêu cầu ông Q chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra.
Sau khi ông Q ra ngân hàng chuyển tiền, thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì phát hiện tài khoản bị rút mất 1,6 tỷ đồng. Lúc này, ông T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Ngoài việc gọi điện đe doạ, thời gian gần đây nhiều người phản ánh nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung thông báo "lệnh truy nã" của cơ quan công an. Nội dung tin nhắn còn nêu rõ hành vi bị truy nã. Đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác ra trình diện.
Khi nhận những tin nhắn nội dung nêu trên, không ít người hoang mang vì chưa được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết; tạo điều kiện cho bọn tội phạm gây án.
Nội dung mặt trước của tấm bảng cảnh báo nhận diện thủ đoạn của tội phạm lừa đảo
Cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn lạ
Nói về các cuộc gọi giả danh cơ quan điều tra, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng lừa đảo thường dùng số điện thoại có đầu số lạ, số giả lập cuộc gọi qua VoIP để liên lạc.
Trong quá trình nói chuyện, chúng thường hỏi han chi tiết, cặn kẽ về thông tin cá nhân của nạn nhân bằng cách giả danh nhiều người, làm việc ở nhiều nơi trong một cuộc gọi. Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng và nhanh chóng chiếm đoạt. Người dân nếu nhận được những cuộc gọi đòi nợ hay yêu cầu chuyển khoản thì cần hẹn gặp trực tiếp, không làm việc qua điện thoại.
Qua những sự việc nêu trên, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với công dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Mặt sau của bảng cảnh báo giúp nhân viên ngân hàng nhận biết tâm lý khách hàng bị lừa đảo khi đến quầy giao dịch
Để tránh bị mất tài sản, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, cảnh giác trước những lời đe dọa, mời chào cho vay, mượn, chuyển tiền, các tin nhắn tuyển cộng tác viên làm việc nhẹ lương cao qua điện thoại.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần:
- Thận trọng với việc cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại của mình cho người khác; không truy cập các đường link do người lạ gửi.
- Chia sẻ, trao đổi với người thân, nhất là người cao tuổi biết về thủ đoạn của những kẻ lừa đảo để tránh bị thiệt hại.
- Khi có nghi vấn, người dân trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, gọi điện đến tổng đài 113 hoặc hotline 069.219.4053 để được giải quyết.
|
Nhiều người dân nhận được các tin nhắn giả mạo với nội dung "Lệnh truy nã".
Theo lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an, hành vi giả mạo người của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hay Tòa án để gây sức ép rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cũng là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến.
Người dân cảnh giác với các cuộc gọi của người tự xưng cán bộ cơ quan tố tụng. Mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà cho bất kỳ người lạ nào, không chuyển tiền vào các tài khoản do người không quen biết cung cấp.
Đại diện Bộ Công an khẳng định khi làm việc, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời và làm việc trực tiếp tại trụ sở, không làm việc qua mạng hay điện thoại.
Về tin nhắn điện thoại với nội dung thông báo "lệnh truy nã" của cơ quan công an, Bộ Công an khẳng định, cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung tương tự là giả mạo, người dân cần cảnh giác tránh không bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.
Việc gửi, thông báo quyết định truy nã được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012 hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã do liên Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành.
Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012
Quyết định truy nã phải được gửi đến các địa chỉ gồm: Công an xã, phường, thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn, hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an); phòng cảnh sát truy nã tội phạm (công an cấp tỉnh), nơi ra quyết định truy nã; cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); Viện Kiểm sát Nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã; Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã; Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định truy nã; Tòa án Nhân dân có yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.
Bên cạnh đó, quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã. |
Thành Long - TTTĐ