Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, tối 28/7, Hà Thanh Hưng (SN: 1977) điều khiển xe ô tô (BKS 30E - 45xxx, nhãn hiệu Hyundai Santafe), gây tai nạn nghiêm trọng tại đường Ngô Thì Nhậm - Quang Trung (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội).
Hậu quả vụ tai nạn khiến chị chị Mai Thị T.Th, đại úy quân nhân chuyên nghiệp, tử vong tại chỗ. Anh Nguyễn V.N bị gãy chân phải, được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện đa khoa Hà Đông. 4 nạn nhân khác bị xây xát nhẹ phần mềm, 4 xe ô tô, 5 xe mô tô và 1 xe máy điện bị hư hỏng.
Ngay trong đêm 28/7, căn cứ các dấu hiệu hình sự, Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông đã tạm giữ tài xế Hà Thanh Hưng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận người này không có nồng độ cồn và ma tuý trong cơ thể.
Hiện trường vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn trên địa bàn quận Hà Đông, khiến nhiều người thương vong
Theo lời khai ban đầu của Hà Thanh Hưng và các tài liệu, chứng cứ thu thập cho thấy, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên do tài xế đã cố vượt sai quy định, từ đó không làm chủ được tốc độ.
Liên quan tới công tác điều tra, xử lý vụ tai nạn, chiều 29/7, lãnh đạo Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, do phương tiện và nạn nhân liên quan đến cơ quan quân đội, nên Công an quận Hà Đông thu thập, củng cố hồ sơ ban đầu và bàn giao Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng để xử lý theo quy định.
Nhiều vấn đề cần xác minh làm rõ nguyên nhân
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Với kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng thì đây là một vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, khiến 1 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nên cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ nguyên nhân để có kết luận, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Theo quy định của pháp luật thì người điều khiển phương tiện giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, giữ khoảng cách với phương tiện phía trước. Trường hợp hành vi có lỗi, không tuân thủ quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu kết quả điều tra cho thấy trong máu hoặc hơi thở có chất cấm hoặc có nồng độ cồn thì hình phạt từ 3 đến 10 năm tù...
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa đối với những nạn nhân bị thương, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân thương tích, chi phí mai táng đối với nạn nhân đã tử vong và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Với những nạn nhân tử vong thì người gây tai nạn còn phải bồi thường tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ phải cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Có thể giám định tâm thần tài xế điều khiển "xe điên"
Cũng theo vị tiến sỹ luật học, với kết quả xác minh ban đầu nạn nhân là cán bộ, sĩ quan quân đội, phương tiện, tài sản quân đội quản lý bị hư hỏng nên vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng để xem xét giải quyết là đúng quy định pháp luật.
Khi được hỏi về thông tin tài xế điều khiển xe ô tô gây tai nạn nghiêm trọng có tiền sử bệnh động kinh, từng điều trị tại bệnh viện tâm thần, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Với thông tin này thì cơ quan điều tra sẽ yêu cầu gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và làm rõ quá trình điều trị tâm thần của người đàn ông này như thế nào. Nếu cần thiết sẽ trưng cầu giám định tâm thần để xác định tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, người này có mắc bệnh đến mức làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay không?
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm lái xe gây tai nạn, người đàn ông này mắc bệnh tâm thần đến mức không kiểm soát được hành vi của mình thì người này sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả giám định pháp y tâm thần cho thấy người này tuy có tiền sử bệnh động kinh nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi lái xe gây tai nạn, người này hoàn toàn nhận thức, điều khiển được hành vi của mình. Vụ tai nạn do lỗi xử lý tình huống, không làm chủ tốc độ thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự.
Đáng chú ý thông tin từ gia đình tài xế cho thấy, trong thời gian điều trị bệnh tâm thần, người đàn ông này được cấp giấy phép lái xe và vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông bình thường. Đây là sự việc không thể xem nhẹ, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hồ sơ cấp giấy phép lái xe, thủ tục cấp giấy phép lái xe được thực hiện như thế nào?
Lực lượng chức năng đang tích cực điều tra nguyên nhân vụ tai nạn
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi cấp giấy phép lái xe cho người tâm thần dẫn đến hậu quả người này điều khiển phương tiện tham gia giao thông và gây tai nạn chết người thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giả mạo trong công tác; Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội danh khác có liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lái xe.
Còn trường hợp tại thời điểm sát hạch, cấp giấy phép lái xe, người này đã điều trị ổn định, che giấu tiền sử bệnh động kinh, kết quả khám sức khỏe để sát hạch lái xe bình thường, có đủ điều kiện sức khỏe để lái xe; Sau khi được cấp giấy phép lái xe, bệnh mới tái phát thì cơ quan chức năng sẽ không xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp giấy phép lái xe.
Cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc thu thập thông tin, đánh giá chứng cứ, đặc biệt là khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người đàn ông này khi vụ tai nạn xảy ra, để xác định người đàn ông này có lỗi hay không và yếu tố bệnh lý về thần kinh, động kinh cũng là yếu tố quan trọng để xác định năng lực hành vi của tài xế làm cơ sở áp dụng pháp luật theo quy định.
“Vụ việc này một lần nữa cho thấy việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe đòi hỏi rất thận trọng, nghiêm túc và đúng quy trình, quy định pháp luật để giảm thiểu những vụ việc tai nạn thương tâm. Đồng thời, mỗi người phải có ý thức khi điều khiển phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, chỉ cần thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, lơ đễnh một chút là có thể gây tai nạn.
Với người có tiền sử động kinh, hoặc các bệnh khác về tâm thần thì mức độ nguy hiểm rất cao khi họ tham gia giao thông. Đây là những vấn đề cần phải được quan tâm chú trọng trong công tác sát hạch lái xe cũng như quản lý an toàn giao thông đường bộ để tránh những tình huống tương tự”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Thành Long - TTTĐ