Chủ động giữ đà xuất siêu

21/05/2020 15:21

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời chủ động đón thời cơ để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, việc chủ động giữ đà xuất siêu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Điện thoại và linh kiện dẫn đầu trong nhóm hàng xuất khẩu có giá trị cao.

Xuất khẩu vượt khó tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, cán cân thương mại quốc gia đạt mức xuất siêu 3 tỷ USD giá trị hàng hóa. Tuy chịu ảnh hưởng bất lợi của thị trường thế giới, song đà xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì trong tháng 5-2020.

Đến nay, đã có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dẫn đầu trong nhóm mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao là điện thoại và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,4 tỷ USD, tăng 28,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,9 tỷ USD, tăng 29,6%...

Ông Nguyễn Trung Tiến đánh giá, nền kinh tế vẫn giữ được phong độ trong xuất khẩu và bảo vệ tốt vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế nhờ vào các mặt hàng truyền thống có thế mạnh. Tuy nhiên, mức độ ổn định trong xuất khẩu chưa thể như mong muốn trong bối cảnh nhiều thị trường lớn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đơn cử, ngành thủy sản, vốn là mặt hàng có thế mạnh, đạt 2,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng năm 2020, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tiêu thụ của khách hàng Liên minh châu Âu (EU), Mỹ sụt giảm và hoạt động vận chuyển, tiếp nhận gặp khó khăn.

Về chủ quan, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một tỷ lệ không nhỏ lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Số đơn vị tuân thủ, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà nhập khẩu mới chiếm 61%.

Khai thác lợi thế để xuất khẩu

Theo ông Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), việc duy trì vị thế xuất siêu chủ yếu do xu hướng tập trung vào xuất khẩu đã hình thành. Mặt khác, sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng tăng cũng như cơ cấu hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn đang được hưởng lợi nhờ một số hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Để giữ đà xuất khẩu, ông Lê Huy Khôi cho rằng, trước mắt cần gia tăng những mặt hàng có thế mạnh, lại đang trong tình hình thuận lợi. Đơn cử, mặt hàng gạo, dù gián đoạn trong gần 1 tháng do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu vẫn đạt hơn 2,1 triệu tấn, với trị giá gần 1 tỷ USD trong 4 tháng qua, tăng 10,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Hiện, nhu cầu tiêu thụ gạo của nhiều thị trường lớn đều tăng trên dưới 10%, giá bán cũng tăng khoảng 17%.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với những cơ hội đó, dự báo mục tiêu xuất khẩu khoảng 6,7 triệu tấn gạo, mang về kim ngạch trên 3 tỷ USD trong năm 2020 là có thể đạt được. 

Tận dụng thời cơ, tạo thời cơ để tranh thủ xuất khẩu cũng là “mẫu số chung” đối với các ngành, sản phẩm trong giai đoạn bình thường mới. Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với đối tác tại Trung Quốc, Ấn Độ và sắp tới là Mỹ tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp các nước. Lĩnh vực, ngành hàng được tập trung thúc đẩy giao thương là nông sản, thực phẩm, giày da, đồ gỗ…

Tiếp theo, khả năng xuất khẩu sang EU sẽ gia tăng từ sau quý II-2020 khi sức mua của thị trường này hồi phục, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, với việc xóa bỏ thuế suất đối với hàng Việt Nam. 

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) nhận định, sẽ có sự gia tăng từng bước trong xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo khi sức mua của thế giới dần hồi phục, nhất là điện thoại và linh kiện - mặt hàng thường chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở chiều ngược lại, hoạt động nhập khẩu hiện vẫn ở mức vừa phải. Đáng lưu ý là, số lượng ô tô nhập khẩu trong 4 tháng qua chỉ là 31.586 chiếc, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là một yếu tố quan trọng, giúp điều chỉnh nhập khẩu theo hướng lành mạnh, không khuyến khích các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền; mà nên ưu tiên cho mục đích sản xuất, kinh doanh. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ sẽ kịp thời cung cấp thông tin, diễn biến thị trường cho doanh nghiệp, thiết lập cơ chế kết nối, bảo đảm thông tin thông suốt với các thương vụ ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp về đối tác...

Trên thực tế, hàng Việt Nam đang "được lòng" khách hàng quốc tế, cùng với những hỗ trợ từ Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Tổng hợp các yếu tố đó chính là điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, duy trì xuất siêu năm 2020.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/967934/chu-dong-giu-da-xuat-sieu