Chủ quán bánh xèo có hành vi hành hạ nhân viên trong buổi làm việc ở cơ quan công an.
Gần đây, một sự việc gây xôn xao dư luận diễn ra tại quán bánh xèo Miền Trung ở Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, những người làm thuê ở một quán bánh xèo nằm tại Khu Công nghiệp Yên Phong (xã Yên Trung - huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh) tố chủ liên tục bỏ đói, đánh đập họ dã man khiến thân thể tàn tạ, bầm dập...
Theo lời kể của nhân viên quán bánh xèo, gần một năm qua, anh và người bạn làm cùng đều bị đánh đập, không được nhận lương hàng tháng, bị tịch thu và đập vỡ điện thoại. Vì vậy không có cách nào liên lạc với gia đình để cầu cứu. Họ chấp nhận bị đánh đập, tra tấn tàn nhẫn, nhặt thức ăn thừa để sống lay lắt cho qua ngày ở nơi mà họ ví là “địa ngục trần gian” này.
Theo thông tin thực tế ghi nhận, nhân viên tên Đ. (SN 1999) của quán bánh xèo nói trên làm việc trong tình trạng cơ thể có nhiều vết bầm dập, vết sẹo lớn nhỏ, tay chân đầy sứt sẹo, nhiều vết sâu hoắm, lở loét, vẫn còn chỉ khâu trắng đỏ. Đây là hậu quả do bị chị Tuyết – chủ quán - bạo hành bằng những vật dụng làm bếp tại quán. Một nhân viên khác tên D (SN 2006) được cơ quan công an tìm ra khi đang bỏ trốn do bị bạo hành với nhiều vết thương trên cơ thể.
Nắm bắt được vụ việc nêu trên, sáng ngày 22/11/2020, cơ quan công an đã đến kiểm tra và đưa nạn nhân cùng chủ quán về trụ sở Công an xã, đồng thời tạm giữ chủ quán để tiếp tục điều tra làm rõ.
Nạn nhân N.Q.D. bị đánh thương tích đầy người, đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Liên quan đến sự việc này, trả lời báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết cần phải xử lý nghiêm vụ chủ quán bánh xèo này. Theo ông Nam, đây là vụ việc rất nghiêm trọng bởi người chủ quán không chỉ bạo hành trẻ em, mà còn sử dụng cả lao động trẻ em.
Theo dõi sự việc, Luật sư Nguyễn Tiến Sơn - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - nhận định: Do sự việc mới diễn ra cũng như chưa có đầy đủ thông tin từ phía cơ quan điều tra nên bước đầu theo thông tin báo chí phản ánh những ngày qua có thể nhận thấy, hành vi của chị Tuyết – chủ quán bánh xèo - có dấu hiệu của tội danh “Hành hạ người khác” quy định tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017: “Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Hãng Luật TGS, Đoàn Luật sư TP.HN) cho rằng, trường hợp này có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm do hành hạ người dưới 16 tuổi. Cụ thể, khoản 2 Điều 140 quy định: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên49; c) Đối với 02 người trở lên."
Tuy nhiên, tội danh và hình phạt đối với chị Tuyết có thể bị thay đổi nếu có tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi” (theo điểm d, i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017) hoặc có những tình tiết mới liên quan tới các vấn đề về tâm lí hay nguyên nhân khách quan khác tác động tới hành vi của chị Tuyết.
Vẫn theo Luật sư Hùng, trường hợp chủ quán có hành vi bạo lực nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho thanh niên D, mặc dù thương tích dưới 11% thì vẫn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Còn Luật sư Nguyễn Đức Cường (Công ty Luật Minh Nghĩa) cho rằng, tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động quy định: Người lao động (NLĐ) là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động: Thời gian làm việc của NLĐ chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Cụ thể theo Luật sư Cường, khi sử dụng NLĐ dưới 18 tuổi, chủ doanh nghiệp cần đảm bảo: Lập sổ theo dõi riêng với đầy đủ thông tin, thời gian làm việc và giờ làm việc theo tuần, danh mục công việc…Nếu người sử dụng lao động (NSDLĐ) vi phạm những quy định trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 88/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.
Theo đó, tại Điều 19 quy định mức xử phạt đối với vi phạm quy định về lao động chưa thành niên: Phạt cảnh cáo đối với NSDLĐ có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau: Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật; sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động; sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.
Trang - Anh - Diệu - Pháp luật Plus